A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ghi nhớ dấu ấn Cố thủ tướng Olof Palme tại Bệnh viện Nhi Trung ương

Chiều 2/6 tại BV Nhi Trung ương đã diễn ra Lễ trao tặng tác phẩm điêu khắc chân dung Cố thủ tướng Olof Palme và khai trương Phòng chơi trẻ em. Đây là tác phẩm của nhà điêu khắc Qvarsebo với kích thước chiều rộng 20 cm, chiều cao 40 cm.

IMG_8972
Tham dự buổi lễ có ông Pierro Schori, Đặc phái viên cao cấp của Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven, Bà Camilla Mellander, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam. Đại diện Bộ Ngoai giao có ông Phạm Sanh Châu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa Đối ngoại và UNESCO, Bộ Ngoại giao. Về phía Bộ Y tế có GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, TS Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em, PGS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi TW cùng các lãnh đạo tiền nhiệm và các cán bộ y tế của Bệnh viện.

IMG_8935

Olof Palme (1927-1986) là Thủ tướng Thuỵ Điển những năm 1969-1976 và 1982-1986. Ông là người bạn chính trực và tận tâm của Việt Nam trong giai đoạn đấu tranh thống nhất đất nước. Cố Thủ tướng Olof Palme cũng là người kiên trì chủ trương hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc tái thiết đất nước, giúp Việt Nam xây dựng nhiều công trình quan trọng, trong đó có Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí, Nhà máy giấy Bãi Bằng. Trong cuộc đời hoạt động chính trị của mình, cố Thủ tướng Olof Palme đã đấu tranh không mệt mỏi vì sự nghiệp hòa bình và phát triển, vì quan hệ hữu nghị và hợp tác bình đẳng giữa các dân tộc trên thế giới.

Ông là người đặt nền móng cho quan hệ ngoại giao giữa Thụy Điển và Việt Nam năm 1969. Với quyết định dũng cảm của ông, những sự trợ giúp của quý báu của Thụy Điển đã đến Việt Nam vào lúc khó khăn nhất. Thụy Điển là nhà tài trợ ODA lớn thứ hai cho VN trong thập niên 1970′, lớn nhất trong thập niên 1980′ và lớn thứ tư trong những năm 1990′.

Năm 2016 đánh dấu 30 năm ngày mất của Cố Thủ tướng Olof Palme, đươc sự đồng ý của Bộ Ngoại giao và Bộ Y tế Việt Nam, Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam đã phối hợp với BV Nhi Trung ương tổ chức Lễ đặt tượng Cố thủ tướng Olof Palme và khai trương Phòng chơi trẻ em tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

IMG_8939

Tại Lễ khai trương, ông Pierro Schori, Đặc phái viên cao cấp của Thủ tướng Thụy Điển khẳng định Thụy Điển là nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam va sẽ luôn trân trọng, tiếp tục duy trì mối quan hệ bền chặt trong thời gian tới. Cố Thủ tướng Olof Palme chính là người đã khơi nguồn cho mối quan hệ ngoại giao với Việt Nam và điều này đã giúp đặt nền tảng vững chắc cho mối quan hệ độc nhất và vô cùng đặc sắc giữa hai quốc gia.

Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc BV Nhi Trung ương cho biết, ban đầu khi mới xây dựng, bệnh viện được biết tới với tên là BV Nhi Olof Palme. Bệnh viện này là minh chứng rõ nét của hợp tác y tế giữa Việt Nam- Thụy Điển và đạt được kết quả tốt đẹp trong hầu hết các lĩnh vực chuyên môn, từ hỗ trợ xây dựng bệnh viện, đào tạo hệ thống cán bộ, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tại các vùng khó khăn cho đến hỗ trợ chính sách y tế và phòng chống đại dịch. Sự hỗ trợ của Thụy Điển từ những ngày đầu và những sự giúp đỡ này thật đúng lúc, kịp thời, đặc biệt đối với lĩnh vực nhi khoa.

Cũng trong ngày, Đại sứ quán Thụy Điển phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo Di sản của Cố thủ tướng Olof Palme và mối quan hệ Việt Nam- Thụy Điển với sự tham dự của gần 100 đại biểu đến từ Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế…

Lê Hảo

Năm 1968, trên cương vị Bộ trưởng giáo dục, Olof Palme dẫn đầu cuộc rước đuốc tuần hành trên đường phố Stockholm. Sự kiện này chấn động dư luận và gây tranh luận tại Thụy Điển và quốc tế. Bức ảnh Olof Palme tham gia rước đuốc được đăng trên hơn 300 bài báo tại Mỹ, thúc đẩy phong trào phản chiến tại Mỹ và quốc tế. Với sự tham gia của Đại sứ Việt Nam từ Moscow bên cạnh Olof Palme, cuộc rước đuốc được xem như một biểu hiện của sự đoàn kết của Thụy Điển đối với Việt Nam. Trong tuyên bố sau đó của mình, Bộ Ngoại giao Thụy Điển cho biết “Palme không chống Mỹ mà chống cuộc chiến tranh. Thụy Điển không đứng về phía bên nào mà đứng về hòa bình”.

Khi cuộc chiến tại Việt Nam diễn biến ngày càng quyết liệt, trong phỏng vấn với tờ Le Monde năm 1972, Cố Thủ tưởng Thụy Điển đã thể hiện mạnh mẽ quan điểm trung lập những tích cực của Chính phủ Thụy Điển với cuộc chiến đang leo thang. Ông nhấn mạnh “Trung lập không có nghĩa là không được bày tỏ quan điểm, lập trường của mình với các vấn đề quốc tế. Ngược lại Thụy Điển hoàn toàn có quyền nói rõ quan điểm của mình, quan điểm của một nước nhỏ đối với một vấn đề quốc tế lớn”. Theo các nhà quan sát, lập trường của ông trong vấn đề Việt Nam thể hiện sự nhạy bén nắm bắt tình hình, tầm nhìn sâu rộng về chính trị đối nội và đối ngoại, phù hợp với chính sách trung lập tích cực, góp phần tạo nên sự đồng thuận quốc tế tiến tới ký kết Hiệp định chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình (Hiệp định Paris) năm 1973.

Năm 1974, Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng thăm Thụy Điển theo lời mời của Thủ tướng Olof Palme. Đây là cuộc đi thăm chính thức đầu tiên của người đứng đầu chính phủ Việt Nam tới một nước phương Tây. Thủ tướng Palme đã dành cho nhân dân Việt Nam và phái đoàn Việt Nam những lời lẽ chân tình và đằm thắm. Trong bài phát biểu chào mừng đoàn, Thủ tướng Palme đã trích dẫn Chủ tịch Hồ Chí Minh qua câu nói nổi tiếng “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Ông nói thêm “Toàn bộ lịch sử Việt Nam chỉ phản ánh một thiên anh hùng ca của một dân tộc từ chối không chịu khuất phục trước sự thống trị của kẻ khác”.


Tin tức nổi bật

Kí kết Chương trình Mắt sáng giữa Bộ Y tế và Hội Người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2025-2028: Góp phần hạn chế tỉ lệ mù lòa và khiếm thị cho người cao tuổi
Sáng 18/4 tại Hà Nội, Bộ Y tế và Hội Người Cao tuổi (NCT) Việt Nam và đã họp Ban chỉ đạo và tổ chức ký kết Chương trình nhân đạo mắt sáng cho NCT giai đoạn 2025-2028. GS.TS.Trần Văn Thuấn- Thứ trưởng Bộ Y tế  đã tham dự và chủ trì buổi họp. Tham dự ...
Hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh giai đoạn 2025-2030
Ngày 10/4 tại Bộ Y tế đã diễn ra Hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh giai đoạn 2025-2030. Hội nghị do GS.TS. Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì. Hội nghị ...