Nâng cao năng lực chẩn đoán, phòng ngừa và điều trị hen phế quản tại Việt Nam
Hội Hô hấp Việt Nam vừa tổ chức Hội thảo khoa học “Hưởng ứng Ngày Hen Thế giới năm 2025” với mục đích chia sẻ, trao đổi những kiến thức và những tiến bộ mới trong phòng ngừa và điều trị nhằm đưa ra các giải pháp quản lý hen phế quản tại Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo TTND.GS.TS.BS. Ngô Quý Châu, Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam khẳng định: “Việc quản lý tốt bệnh hen là vô cùng cần thiết, giúp kiểm soát các biến chứng và giảm tỉ lệ tử vong do hen gây ra. Hội Hô hấp Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực hợp tác của các bên trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân hen, góp phần giảm gánh nặng lên hệ thống y tế.”
Hiện hen phế quản (hen) là một bệnh lý hô hấp mạn tính phổ biến , hiện đang ảnh hưởng đến hơn 300 triệu người trên toàn cầu. Tại Việt Nam, tỉ lệ mắc hen trung bình khoảng 3,9% dân số, tương đương khoảng 4 triệu người. Đáng chú ý, mỗi năm có khoảng 3.000 -4.000 người tử vong do căn bệnh này.
Theo các chuyên gia tại hội thảo, việc quản lý và dự phòng bệnh hen hiện còn gặp nhiều thách thức. Hen còn là bệnh lý nền khiến miễn dịch của cơ thể suy yếu và tạo điều kiện cho các loại virus tấn công, có thể kể đến như cúm hay virus Varicella Zoster (VZV), tác nhân gây ra bệnh zona thần kinh.

Chia sẻ tại hội thảo, TS.BS. Lê Thị Thu Hương, Trưởng khoa Nội Hô Hấp - Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP. HCM, cho biết: “Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, người mắc hen có nguy cơ mắc zona cao hơn 24% và nguy cơ biến chứng đau thần kinh sau zona cao hơn 20%. Đáng chú ý, bệnh nhân hen có nguy cơ mắc zona ở mắt tăng hơn 90% so với người không có bệnh hen.”
Theo PGS.TS.BS. Phan Thu Phương, Giám đốc Trung Tâm Hô Hấp – Bệnh viện Bạch Mai, điều trị hen không chỉ dùng thuốc mà phải kết hợp nhiều yếu tố, trong đó, chủ động kiểm soát tốt bệnh lý đóng vai trò quan trọng, như kiểm soát triệu chứng và các yếu tố nguy cơ thay đổi được, phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm, kiểm soát bệnh đồng mắc...
Với sự tiến bộ của y học, các nhà khoa học và bác sĩ đã hiểu rõ hơn về những nguyên nhân sinh học khác nhau gây ra hen suyễn. Tại hội thảo, PGS.TS.BS. Lê Khắc Bảo, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược – TPHCM nhấn mạnh việc kiểm soát hen có thể được cải thiện bằng phương pháp cá thể hóa điều trị. Điều này đòi hỏi một chiến lược toàn diện, bao gồm: Đánh giá đặc điểm bệnh nhân, theo dõi tính tuân thủ, giáo dục nâng cao nhận thức cho bệnh nhân và cả đội ngũ y tế.
Bên cạnh việc điều trị, các chiến lược phòng ngừa đóng vai trò then chốt trong việc kiểm soát bệnh hen, giúp giảm các cơn hen cấp liên quan đến nhiễm trùng và duy trì chức năng phổi5.
BS. Phạm Thị Mỹ Liên, Chủ tịch GSK Việt Nam chia sẻ: “Trong nhiều thập kỷ, GSK luôn tiên phong nghiên cứu các giải pháp tiên tiến cho bệnh nhân hô hấp. Tại Việt Nam, chúng tôi đồng hành cùng các cơ quan y tế và tổ chức chuyên môn nhằm nâng cao năng lực quản lý bệnh hen, đồng thời mở rộng khả năng tiếp cận từ dự phòng đến điều trị cho người bệnh.”
PV.