Theo Quyết định số 458/QĐ-BYT ngày 08/02/2014 Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh thuộc Bộ Y tế

 

Điều 1. Vị trí và chức năng

+ Cục Quản lý Khám, chữa bệnh là cục quản lý chuyên ngành, thuộc Bộ Y tế, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Y tế quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về công tác khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng,giám định y khoa, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần trong cả nước.
+ Cục Quản lý Khám, chữa bệnh có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, có trụ sở tại thành phố Hà Nội.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

– Chủ trì hoặc phối hợp xây dựng, sửa đổi, bổ sung luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật khác về lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, hiến ghép mô, bộ phận cơ thể người, giám định y khoa, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần (gọi tắt là: lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Cục), trình các cấp có thẩm quyền ban hành.
– Chủ trì xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các chương trình, dự án, đề án về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Cục, trình các cấp có thầm quyền phê duyệt.
– Chủ trì xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, quy định phân tuyến kỹ thuật, quy chế chuyên môn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Cục, trình cấp có thẩm quyền công bố hoặc ban hành.
– Chủ trì xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí, chỉ số chất lượng, thừa nhận tiêu chuẩn quản lý chất lượng đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; kiểm tra việc tuân thủ các quy định về chứng nhận chất lượng bệnh viện.
– Ban hành các văn bản hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Cục theo phân cấp của Bộ trưởng Bộ Y tế.
– Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các quy định chuyên môn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, các chương trình, dự án, đề án về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Cục.
– Chủ trì thẩm định các điều kiện cho phép áp dụng các phương pháp mới, kỹ thuật mới trong khám bệnh, chữa bệnh và thẩm định nội dung chuyên môn của hồ sơ đăng ký quảng cáo hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.
– Làm đầu mối tổ chức các hội đồng chuyên môn để xác định sai sót chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh.
– Hướng dẫn và kiểm tra công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, an toàn truyền máu, dinh dưỡng lâm sàng, phẫu thuật thẩm mỹ trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

2.1 Về phòng, chống bệnh không lây nhiễm:

a) Tổ chức xây dựng phác đồ điều trị các bệnh không lây nhiễm, hướng dẫn tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong việc tổ chức điều trị các bệnh không lây nhiễm và tham gia truyền thông, tư vấn về phòng, chống bệnh không lây nhiễm;
b) Làm đầu mối hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá.
Về quản lý hành nghề khám bệnh, chữa bệnh
a) Chủ trì thẩm định, trình Bộ trưởng Bộ Y tế cấp, cấp lại, điều chỉnh, đình chỉ, thu hồi chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề y theo quy định của pháp luật;
b) Chủ trì thẩm định, trình Bộ trưởng Bộ Y tế cấp, cấp lại, điều chỉnh, đình chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (trừ Y dược cổ truyền) theo quy định của pháp luật;
c) Tham gia xây dựng quy định về điều kiện, tiêu chuẩn, thành lập, sáp nhập, tổ chức lại, giải thể các cơ sở khám, chữa bệnh.

2.2 Về hoạt động dược bệnh viện:

a) Xây dựng danh mục thuốc chủ yếu sử dụng trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
b) Chỉ đạo hướng dẫn hoạt động của Hội đồng thuốc và điều trị trong bệnh viện;
c) Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện và kiểm tra việc sử dụng thuốc hợp lý, an toàn và hiệu quả trong khám bệnh, chữa bệnh, công tác kê đơn và sử dụng thuốc, công tác kiểm soát phòng, chống kháng thuốc;
d) Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện và kiểm tra giám sát thực hành dược lâm sàng; tư vấn, thông tin về sử dụng thuốc và cảnh giác dược trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Làm đầu mối chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ trung, cao cấp, công tác y tế phục vụ cho các hội nghị, sự kiện quan trọng của nhà nước. Chỉ đạo tổ chức ứng cứu, tiếp nhận và điều trị nạn nhân trong các vụ dịch bệnh, thiên tai, thảm họa.

Đầu mối xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, về cấp chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Hướng dẫn thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh. Chỉ đạo, hướng dẫn việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ sở
khám bệnh, chữa bệnh và trong các lĩnh vực thuộc chức năng quản lý nhà nước của Cục.

Tổ chức đào tạo nâng cao năng lực quản lý trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh, chỉ đạo tuyến và quản lý chất lượng bệnh viện.

Tham gia xây dựng các tiêu chuẩn và thẩm định phân hạng các cơ sở y tế; tham gia xây dựng, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách về bảo hiểm y tế, giá dịch vụ y tế, xã hội hóa y tế và các chính sách khác trong khám bệnh, chữa bệnh.

Tham gia, chỉ đạo, hướng dẫn các hoạt động nghiên cứu khoa học, hội nhập và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khám, chữa bệnh.
Tổ chức hoặc tham gia thực hiện thanh tra chuyên ngành và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Quản lý công chức, viên chức, người lao động, tài sản, kinh phí được giao theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo sự phân công của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Điều 3. Tổ chức và cơ chế hoạt động

Lãnh đạo Cục: gồm Cục trưởng và các Phó Cục Cục trưởng Cục trưởng và các Phó Cục trưởng do Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm, miễn nhiệm theo quy định của pháp luật. Cục trưởng chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Y tế và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Cục. Các Phó Cục trưởng giúp việc cho Cục trưởng và được Cục trưởng giao phụ trách một số công tác, chịu trách nhiệm trước Cục trưởng và trước pháp luật về các nhiệm vụ được giao.

3.1 Cơ cấu tổ chức

1. Văn phòng Cục
2. Phòng Nghiệp vụ Y và Dược bệnh viện
3. Phòng Điều dưỡng và Tiết chế
4. Phòng Phục hồi chức năng và Giám định
5. Phòng Quản lý hành nghề khám, chữa bệnh
6. Phòng Chỉ đạo tuyến
7. Phòng Quản lý chất lượng
8. Phòng Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ
9. Phòng Pháp chế – Thanh tra
10. Các đơn vị sự nghiệp:
– Trung tâm Phát triển năng lực quản lý khám, chữa bệnh
– Tạp chí bệnh viện

3.2 Cơ chế hoạt động

a) Cục Quản lý Khám, chữa bệnh hoạt động theo chế độ thủ trưởng;
b) Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng Cục và các phòng, tổ chức thuộc Cục do Cục trưởng quy định trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cục đã được Bộ trưởng Bộ Y tế giao. Mối quan hệ giữa Văn phòng Cục, các phòng, tổ chức thuộc Cục do Cục trưởng quy định;
c) Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh lãnh đạo Văn phòng Cục và lãnh đạo các phòng, tổ chức thuộc Cục được thực hiện theo quy định của pháp luật và theo phân cấp của Bộ Y tế;
d) Các chức danh lãnh đạo Cục, lãnh đạo Văn phòng Cục và lãnh đạo các phòng, tổ chức thuộc Cục được hưởng phụ cấp theo quy định của pháp luật.

3.3 Biên chế

Biên chế của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh được xác định theo quy định của pháp luật về vị trí việc làm và được điều chỉnh theo nhu cầu vị trí việc làm do Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định trên cơ sở đề xuất của Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh.

3.4 Kinh phí

Kinh phí hoạt động của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh do ngân sách nhà nướccấp và các nguồn kinh phí hợp pháp khác