PGS.TS. Lương Ngọc Khuê
Bí thư Đảng Uỷ, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh

Trải qua 60 năm, một chặng đường vượt qua mọi khó khăn, gian khổ không ngừng phấn đấu, xây dựng và phát triển. Hệ thống quản lý khám, chữa bệnh của ngành Y tế Việt Nam đã thu được những thành tựu rất đáng tự hào góp phần quan trọng trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân mặc dù vẫn còn những thách thức cần được giải quyết.

Cách mạng Tháng Tám thành công (1945) Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa được thành lập bao gồm 15 Bộ trong đó có Bộ Y tế. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, bộ máy Bộ Y tế chỉ có Văn phòng với 3 phòng: Phòng 1 (Hành chính – Quản trị), Phòng 2 (Kế toán – Tài vụ), Phòng 3 (Nhân sự) do một Đổng Lý Văn phòng phụ trách. Các công việc chuyên môn do một Đổng Lý Sự vụ phụ trách

Đến năm 1953 hai vụ đầu tiên của Bộ Y tế được thành lập là Vụ Phòng bệnh chữa bệnh và Vụ Bào Chế. Trải qua các tên gọi khác nhau theo từng giai đoạn: Vụ Phòng bệnh, chữa bệnh (Năm 1953); Vụ Chữa bệnh (Năm 1956); Cục Phòng bệnh, chữa bệnh (Năm 1967); Vụ Quản lý sức khỏe (Năm 1984); Vụ Điều trị (Năm 1995); Cục Quản lý Khám bệnh, chữa bệnh (Năm 2008). Cục quản lý Khám, chữa bệnh tiền thân là Vụ Phòng bệnh chữa bệnh, tuy trải qua nhiều tên gọi khác nhau nhưng vẫn chung một nhiệm vụ giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác khám bệnh, chữa bệnh, điều dưỡng, phục hồi chức năng, giám định y khoa, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần trong cả nước.

Dưới sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Ban cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ Y tế trong suốt 60 năm qua, cùng với sự nỗ lực không ngừng của các thế hệ lãnh đạo và chuyên viên của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh hệ thống quản lý khám, chữa bệnh ngày càng được củng cố và phát triển. Các bác sỹ, các cán bộ quản lý đã dày công suy nghĩ xây dựng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực khám, chữa bệnh đã khá hoàn chỉnh: Từ Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân (năm 1989) đến nay là Luật Khám bệnh, chữa bệnh (năm 2011); Luật Hiến ghép mô, bộ phận cơ thể người; Luật Bảo hiểm y tế; Luật Người cao tuổi; Luật người khuyết tật; Luật giám định tư pháp; Luật PCTH thuốc lá cùng với hệ thống các Nghị định, Thông tư, Quyết định, Quy chế … Với 38 bệnh viện trực thuộc Bộ; 63 Sở Y tế; 1.162 bệnh viện công lập; 157 bệnh viện ngoài công lập; hơn 10.000 trạm y tế xã trong đó gần 70% số trạm có bác sỹ và 30.000 phòng khám tư, đã đáp ứng cơ bản nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị các bệnh viện được đầu tư, phát triển; nhiều kỹ thuật, công nghệ y học tiên tiến được áp dụng giúp người dân trong nước được tiếp cận với những dịch vụ y tế ngang tầm thế giới.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, hệ thống khám, chữa bệnh vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, bất cập, thách thức, đòi hỏi sự quan tâm hơn nữa của toàn xã hội và sự nỗ lực vươn lên của chính những người thầy thuốc làm việc trong lĩnh vực quản lý và thực hành lâm sàng.

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm xây dựng và phát triển hệ thống quản lý khám, chữa bệnh thay mặt Ban biên soạn, Tôi xin trân trọng giới thiệu Trang tin của Cục quản lý khám chữa bệnh giới thiệu lịch sử 60 năm xây dựng và phát triển hệ thống quản lý khám, chữa bệnh. Thông qua Trang tin này, bạn đọc có thể thấu hiểu và chia sẻ những công việc mà những người làm công tác quản lý và các thày thuốc trực tiếp khám, chữa bệnh đã thực hiện trong suốt 60 năm qua.

Cũng nhân dịp này, Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành tới các đồng chí Lãnh đạo Bộ Y tế, Lãnh đạo các Vụ, Cục, Thanh tra, Văn phòng Bộ, Lãnh đạo các cơ sở khám, chữa bệnh và những người thầy thuốc, bạn đọc đã ủng hộ và đồng hành với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh trong suốt 60 năm qua.
Xin trân trọng cảm ơn!

TM. BAN BIÊN SOẠN
PGS.TS Lương Ngọc Khuê 
Bí thư Đảng Uỷ,
CỤC TRƯỞNG CỤC QUẢN LÝ KHÁM CHỮA BỆNH