Đề xuất kê đơn, cấp thuốc điều trị dài ngày các bệnh mạn tính
Ngày 20/6, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế ) đã họp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các bệnh viện tuyến trung ương, Tổng hội Y học Việt Nam, các Hội chuyên ngành như Hội Hô hấp, Hội Tiết niệu - Thận học Việt Nam... về đề xuất thời gian kê đơn, cấp thuốc điều trị ngoại trú các bệnh mạn tính của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Phát biểu tại cuộc họp, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, ngày 11/6/2024 Cục Quản lý Khám, chữa bệnh nhận được công văn số 1748/BHXH-CSYT ngày của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam về việc đề xuất thời gian kê đơn, cấp thuốc điều trị ngoại trú các bệnh mạn tính, trong đó có nội dung như sau: “Bảo hiểm Xã hội Việt Nam có Công văn đề xuất Bộ Y tế điều chỉnh thời gian kê đơn, cấp thuốc đối với bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính ổn định (như tiểu đường, tăng huyết áp…) với số lượng thuốc được kê đơn sử dụng tối thiểu 60 ngày, trong thời gian uống thuốc điều trị người bệnh cần đi khám bệnh thì vẫn được hưởng chế độ bảo hiểm y tế.
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đề nghị Bộ Y tế quan tâm, sớm chỉ đạo hướng dẫn hoặc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 52/2017/TT-BYT để giảm áp lực chờ đợi cho người bệnh, giảm thời gian đi lại và kinh phí cho người bệnh, đồng thời giảm tải cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên”.
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đồng thời nhận được Công văn số 2685/SYT-QLBHYTCNTT ngày 18/6/2024 của Sở Y tế thành phố Hà Nội về việc triển khai thí điểm cấp thuốc mạn tính 2 tháng tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, trong đó đề cập kết quả phân tích dữ liệu người bệnh được cấp thuốc mạn tính (tối đa 3 tháng) trong thời gian dịch bệnh COVID-19 cho thấy việc cấp thuốc mạn tính 2 tháng đối với nhóm bệnh mạn tính ổn định thực sự mang lại hiệu quả cho cả người bệnh và bệnh viện, giảm bớt áp lựcchờ đợi cho người bệnh, đặc biệt là người bệnh cao tuổi, sức khỏe yếu. Trong quá trình khám chữa bệnh tại Bệnh viện, đa số người bệnh bày tỏ nguyện vọngđược cấp thuốc 2 tháng để giảm thời gian đi lại. Sở Y tế đề xuất cho phép triển khai thí điểm cấp thuốc 2 tháng đối với các trường hợp mắc các bệnh cần điều trị dài ngày(theo Thông tư 46/2016/TT-BYT ngày 30/12/2016 của Bộ Y tế ban hành danh mục bệnh cần điều trị dài ngày) bao gồm: nhóm bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu có tình trạng ổn định tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn trong năm 2024.
Trước đó, trong giai đoạn dịch COVID-19, năm 2022, trong quá trình sửa đổi, bổ sung Thông tư số 52/2017/TT-BYT, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh có công văn số 1073/KCB-NV đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (triển khai xin ý kiến các đơn vị thuộc phạm vi quản lý), Bệnh viện, Viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế, y tế các Bộ, ngành, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đề nghị góp ý về thời gian kê đơn tối đa cho mỗi lần kê đơn thuốc ngoại trú. Thời hạn góp ý là ngày 30/8/2022.
Tính đến ngày 5/9/2022, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh nhận được 269 ý kiến góp ý của các địa phương, đơn vị, bao gồm: 15/39 Bệnh viện Trung ương, 14/63 Sở Y tế và 240 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác (tuyến tỉnh, huyện, nhà nước và tư nhân, bộ/ngành). Hầu hết Sở Y tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đề xuất việc giữ nguyên quy định về thời gian kê đơn thuốc ngoại trú với thuốc gây nghiện, hướng thần, thuốc tiền chất, thuốc điều trị bệnh cần chữa trị dài ngày khác (bao gồm thuốc ARV điều trị người bệnh HIV/AIDS).
Tại cuộc họp, lãnh đạo Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã xin ý kiến các chuyên gia về đề đề xuất của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Sở Y tế thành phố Hà Nội.
Các bác sỹ thuộc các chuyên khoa và hội chuyên ngành cũng đề nghị xem xét điều chỉnh thời gian kê đơn đối với một số bệnh mạn tính đã điều trị ổn định có thể tối đa là 60 ngày hoặc 90 ngày thậm chí có thể lâu hơn. Tuy nhiên việc thời gian kê đơn thuốc trong mỗi trường hợp phải xem xét cụ thể từng bệnh, tình trạng của người bệnh; cần lấy hiệu quả điều trị và an toàn của người bệnh là ưu tiên hàng đầu.
Tại cuộc họp, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Khoa đề nghị các bệnh viện và các hội chuyên ngành rà soát danh mục bệnh và rà soát hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh được kê đơn tối ta không quá 60 hoặc 90 ngày hoặc lâu hơn ngày trong các nhóm: Bệnh nhiễm trùng và ký sinh trùng; nhóm các bệnh về ung thư; nhóm các bệnh về máu; nhóm các bệnh về nội tiết chuyển hóa; nhóm các bệnh tâm thần.
Trong thời gian chờ sửa đổi Thông tư số 52/2017/TT-BYT, căn cứ ý kiến của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Hội đồng của Bộ Y tế sẽ xem xétthí điểm kê đơn thuốc dài hơn 30 ngày đối với một số bệnh mạn tính.
Lê Hảo