Hưởng ứng Ngày Quốc tế Điều dưỡng tại Việt Nam: Từ tôn vinh đến thúc đẩy cơ chế, chính sách nghề nghiệp
Tôn vinh điều dưỡng nhân Ngày Quốc tế Điều dưỡng (International Nurses Day – IND) không chỉ là sự ghi nhận những đóng góp thầm lặng nhưng không thể thay thế của điều dưỡng, lực lượng chiếm hơn một nửa nhân lực y tế toàn cầu, mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy cải cách chính sách và chuyên nghiệp hóa hệ thống chăm sóc sức khỏe.
IND trên thế giới: Tôn vinh, nâng cao nhận thức và hành động vì hệ thống y tế bền vững
IND được tổ chức vào 12/5 hằng năm, là dịp tưởng nhớ Florence Nightingale, người đặt nền móng cho ngành điều dưỡng hiện đại. Từ năm 1965, IND đã trở thành ngày hội nghề nghiệp toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh hệ thống y tế đang đối mặt với dịch bệnh, già hóa dân số và khủng hoảng nhân lực.
Chủ đề IND năm 2025 do Hội đồng Điều dưỡng Quốc tế (ICN) công bố:“Điều dưỡng của chúng ta. Tương lai của chúng ta. Hãy quan tâm đến điều dưỡng để đẩy mạnh nền kinh tế” (Our Nurses. Our Future. The Economic Power of Care).
Thông điệp này khẳng định: đầu tư vào điều dưỡng là chìa khóa nâng cao chất lượng y tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện năng suất lao động và bảo đảm công bằng xã hội. ICN kêu gọi hành động trên 5 lĩnh vực trọng tâm: đầu tư toàn diện; bảo vệ sức khỏe điều dưỡng; cải thiện môi trường làm việc; mở rộng cơ hội nghề nghiệp và tăng cường tiếng nói của điều dưỡng trong hoạch định chính sách.
.jpg)
IND tại Việt Nam: Động lực cải cách chính sách và nâng cao vị thế nghề điều dưỡng
Tại Việt Nam, IND không chỉ là ngày Kỷ niệm mà đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy đổi mới thể chế và phát triển nghề điều dưỡng theo hướng chuyên nghiệp, bền vững và hội nhập. Từ năm 2018, Bộ Y tế đã chỉ đạo tổ chức các hoạt động IND trên toàn quốc, đưa tôn vinh gắn liền với đổi mới cơ chế, chính sách.
Đặc biệt năm 2020, khi Việt Nam tham gia chiến dịch toàn cầu Nursing Now, IND đã trở thành điểm tựa cho quá trình chuyên nghiệp hóa điều dưỡng, lực lượng then chốt trong hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Hành lang pháp lý mới: Nền tảng phát triển điều dưỡng hiện đại
✅ Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023: Lần đầu tiên quy định chăm sóc người bệnh là một hoạt động chuyên môn quan trọng; điều dưỡng - như các chức danh chuyên môn khác - có quyền hành nghề độc lập. Đây là bước đột phá tạo hành lang pháp lý vững chắc cho điều dưỡng hành nghề chuyên nghiệp, thúc đẩy mô hình chăm sóc người bệnh toàn diện, đa ngành, lấy người bệnh làm trung tâm.
✅ Nghị định 96/2023/NĐ-CP: Quy định chức danh điều dưỡng chuyên khoa, cho phép thành lập cơ sở dịch vụ điều dưỡng ngoài bệnh viện, tạo nền tảng cho đào tạo, phát triển năng lực chuyên sâu, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hội nhập quốc tế.
✅ Thông tư 31/2021/TT-BYT: Khẳng định vai trò trung tâm, chủ động của điều dưỡng trong nhóm chăm sóc đa ngành, hướng đến chăm sóc người bệnh toàn diện cả về thể chất, tinh thần và xã hội; đánh dấu sự chuyển biến quan trọng của điều dưỡng từ vai trò hỗ trợ sang chủ động đánh giá, chẩn đoán và thực hiện các can thiệp điều dưỡng với tư duy lâm sàng rõ nét.
✅ Thông tư 32/2023/TT-BYT: Lần đầu tiên quy định danh mục 1.252 kỹ thuật chuyên môn điều dưỡng được phép thực hiện và chỉ định thực hiện, đồng thời phân định phạm vi hành nghề theo trình độ đào tạo. Quy định này mở rộng cơ hội đào tạo và thực hành chuyên sâu, tiệm cận chuẩn quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc và vị thế nghề điều dưỡng.
✅ Thông tư 02/2025/TT-BYT: Căn cứ để tuyển dụng, sử dụng và xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp; bổ sung chức danh điều dưỡng hạng I với yêu cầu trình độ chuyên khoa II hoặc tiến sĩ, thúc đẩy xây dựng đội ngũ điều dưỡng chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe hiện đại.
Từ tôn vinh đến hành động thực chất
Hưởng ứng IND tại Việt Nam không chỉ dừng lại ở tri ân, mà đã trở thành động lực thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới chính sách và nâng cao vai trò của điều dưỡng trong hệ thống y tế hiện đại. Ngành y tế đang tiếp tục nỗ lực hoàn thiện hành lang pháp lý phù hợp với thực tiễn và xu thế hội nhập quốc tế điều dưỡng.
Bên cạnh việc tôn vinh và khích lệ, cần triển khai hiệu quả các chính sách đổi mới thiết thực như: đầu tư vào đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, cải thiện điều kiện hành nghề, xây dựng con đường phát triển nghề nghiệp rõ ràng và tạo môi trường thuận lợi để điều dưỡng phát huy tối đa năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.
ThS. Hà Thị Kim Phượng, TS. Vương Ánh Dương