Bộ Y tế, WHO và các đối tác quốc tế cùng hợp tác để nâng cao nhận thức, vận động chính sách và hành động ngay hưởng ứng Tuần lễ Thế giới nâng cao nhận thức về kháng thuốc
Ngày 22/11/2024 tại Hà Nội, Bộ Y tế (BYT) với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác quốc tế cùng phối hợp tổ chức Tuần lễ Nâng cao Nhận thức về Kháng thuốc (AMR) từ ngày 18-24 tháng 11 năm 2024. WHO đưa ra chủ đề năm nay - 2024 là “Giáo dục, Vận động, Hành động ngay”, nhằm mục đích đẩy nhanh các nỗ lực nâng cao nhận thức và hành động đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng của kháng thuốc.
Kháng thuốc xảy ra khi vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng không còn đáp ứng với các thuốc kháng vi sinh vật. Do kháng thuốc, kháng sinh và các thuốc khác trở nên không hiệu quả và việc điều trị nhiễm trùng khó khăn hoặc không thể, tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong.
Tại Việt Nam, tình trạng kháng thuốc đã trở thành một vấn đề y tế công cộng đáng quan tâm. Theo kết quả giám sát kháng thuốc gần đây, tỷ lệ kháng kháng sinh cao đã được ghi nhận ở các vi khuẩn thông thường, đặc biệt trong bệnh viện. Việc sử dụng sai mục đích và lạm dụng kháng sinh trong y tế và nông nghiệp là nguyên nhân chính gây ra kháng thuốc.
Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng để hạn chế kháng thuốc. Năm 2023, Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia về Phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2023-2030, với tầm nhìn đến năm 2045. Chiến lược này tăng cường sự phối hợp giữa các ngành Y tế, Nông nghiệp, Môi trường, Công thương bao gồm các nhà hoạch định chính sách, người cung cấp dịch vụ sức khỏe, doanh nghiệp, nông dân và cá nhân.
Kế hoạch hành động Quốc gia trong các lĩnh vực y tế và nông nghiệp cũng đã được phê duyệt bởi Bộ Y tế, Thủ tướng Chính phủ, đặt ra các mục tiêu cụ thể về nhận thức, giáo dục, giám sát, nghiên cứu, kiểm soát nhiễm trùng, tối ưu hóa sử dụng kháng sinh và đầu tư bền vững.
GS.TS. Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh Tuần lễ Thế giới nâng cao nhận thức về kháng thuốc là một chiến dịch toàn cầu nhằm thúc đẩy hiểu biết và hành động về kháng thuốc. Với chủ đề năm nay, "Giáo dục. Vận động. Hành động ngay”.
Giáo dục là nền tảng trong cuộc chiến chống lại kháng thuốc. Bộ Y tế cam kết nâng cao nhận thức trên tất cả các lĩnh vực—nhân viên y tế, các nhà hoạch định chính sách, các bên liên quan và cộng đồng. Đối với nhân viên y tế, Bộ Y tế hướng đến việc tăng cường hiểu biết của họ về quản lý kháng sinh, thực hành kê đơn, và các biện pháp phòng ngừa nhiễm khuẩn thông qua các chương trình phát triển chuyên môn liên tục. Đối với công chúng: Các chiến dịch nâng cao nhận thức sẽ giúp người dân hiểu rõ nguy cơ của việc tự ý dùng thuốc, tầm quan trọng của việc hoàn thành liệu trình điều trị được kê đơn, và vai trò của họ trong việc giảm thiểu kháng thuốc. Đối với các nhà hoạch định chính sách và ngành công nghiệp, nông nghiệp, môi trường: Bộ Y tế tập trung vào các nền tảng chia sẻ kiến thức để đảm bảo mọi lĩnh vực đều hiểu được tác động kinh tế và xã hội của kháng thuốc. Giáo dục giúp tất cả các bên liên quan trở thành có hiểu biết. Đây là nền tảng để tạo ra những thay đổi hành vi bền vững và phát triển các thực hành có trách nhiệm trong việc sử dụng kháng sinh.
Vận động: là thiết yếu để đảm bảo kháng thuốc luôn là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự về y tế quốc gia và toàn cầu. Bộ Y tế đang thúc đẩy các kế hoạch hành động quốc gia mạnh mẽ tích hợp cách tiếp cận Một sức khỏe “One Health”, giải quyết các vấn đề về sức khỏe con người, động vật và môi trường. Huy động hợp tác quốc tế: không có ranh giới, Bộ Y tế hợp tác với các tổ chức khu vực và quốc tế như WHO, FAO, OIE và các tổ chức khác để thúc đẩy sự đoàn kết toàn cầu và các phản ứng phối hợp. Quan hệ đối tác công tư: Chúng tôi kêu gọi các công ty dược phẩm, nhà nghiên cứu và nhà đổi mới tham gia phát triển các loại kháng sinh, vắc xin và công cụ chẩn đoán mới.
Hành động ngay: Kháng thuốc yêu cầu hành động ngay lập tức và bền vững. Mỗi giây phút không hành động đều đặt tính mạng con người vào nguy hiểm và phá hoại hàng thập kỷ tiến bộ trong y học. Bằng cách vận động cho những hành động này, chúng ta có thể đảm bảo nguồn lực, chính sách và các mối quan hệ đối tác cần thiết để đối phó hiệu quả với kháng thuốc. Về phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn: Chúng tôi đang tăng cường các nỗ lực tại các cơ sở y tế, thúc đẩy vệ sinh tay và đảm bảo tiếp cận với nước sạch và vệ sinh môi trường. Về quản lý kháng sinh: Bộ Y tế đang thực thi các quy định nhằm hạn chế việc lạm dụng và sử dụng sai mục đích kháng sinh trong cả lĩnh vực y tế và nông nghiệp. Các hệ thống giám sát đang được tăng cường để theo dõi việc sử dụng kháng sinh và các mô hình kháng thuốc. Nghiên cứu và đổi mới: BYT ưu tiên cho các sáng kiến nghiên cứu nhằm phát triển các liệu pháp điều trị mới, vắc xin, công cụ chẩn đoán.
Bộ Y tế kêu gọi toàn bộ ngành y tế tại tất cả các tỉnh thành triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia và Kế hoạch Hành động phòng, chống kháng thuốc trong y tế nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân hiện tại và sức khỏe của các thế hệ tương lai, bảo vệ nguồn kháng sinh quý giá tại Việt Nam và trên toàn thế giới.
Đại diện WHO tại Việt Nam phát biểu tại lễ Mít tinh và Hội nghị, Bà Erin Kenny - Trưởng nhóm Chăm sóc sức khỏe toàn dân nhấn mạnh “Chúng tôi đánh giá cao sự lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam trong việc thông qua Chiến lược quốc gia, Kế hoạch hành động cụ thể nhằm giải quyết vấn đề phức tạp này. Kháng thuốc là một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe và phát triển trên toàn cầu, cũng như tại Việt Nam và là ưu tiên trong hỗ trợ của WHO đối với Việt Nam. Nay các Bộ, ngành cần tập trung vào giáo dục, vận động chính sách và hành động để củng cố việc thực hiện đạt được các mục tiêu trong Chiến lược và Kế hoạch hành động.”
“Trong ngành y tế, kháng thuốc đe dọa nhiều thành tựu của y học hiện đại. Nó khiến các bệnh nhiễm trùng khó điều trị hơn và làm cho các thủ thuật và điều trị y tế khác – như phẫu thuật, sinh mổ và hóa trị liệu ung thư – trở nên nguy cơ hơn.
Kháng thuốc cũng tạo gánh nặng lớn về chi phí cho cả hệ thống y tế và nền kinh tế, ví dụ nó làm tăng nhu cầu chăm sóc tích cực và tốn kém hơn, ảnh hưởng đến năng suất lao động của bệnh nhân hoặc người chăm sóc thông qua thời gian nằm viện kéo dài và gây hại năng suất nông nghiệp," Ngài Kenney đã phát biểu.
“BS Rémi Nono Womdim- Đại diện Tổ chức FAOnói, “Chúng tôi rất trân trọng sự hợp tác hiệu quả giữa Chính phủ và FAO trong thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia trong kiểm soát kháng thuốc ở nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 phù hợp với Kế hoạch hành động của FAO về Akháng thuốc 2021-2025 nhằm giảm tình hình kháng thuốc và duy trì khả năng điều trị nhiễm trùng bằng thuốc kháng khuẩn hiệu quả và an toàn để duy trì sản xuất lương thực và nông nghiệp, qua đó đóng góp vào Chương trình nghị sự 2030.”
“Cả hai kế hoạch đều nhất quán với mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể, tập trung các giải pháp vào nhận thức, giám sát, thực hành tốt, sử dụng thuốc kháng vi sinh vật có trách nhiệm và quản trị. Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng hành động khẩn cấp là cần thiết để ngăn chặn một tương lai khi các bệnh nhiễm trùng thông thường trở nên không thể điều trị được và hệ thống thực phẩm trở nên không bền vững”.
“Không còn thời gian để lãng phí. Chúng ta hãy tiếp tục cùng nhau làm việc để giáo dục, vận động và hành động ngay bây giờ”.
Phát biểu tại sự kiện, Phó Đại sứ của Đại sứ quán Anh và Bắc Irland, ông Marcus Winsley, cho biết: " Chứng kiến những nỗ lực to lớn của chính phủ Việt Nam, bao gồm việc ban hành Chiến lược Quốc gia về Phòng chống Kháng thuốc giai đoạn 2023-2030 với tầm nhìn đến năm 2045 và chuỗi hoạt động thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ cũng như sự hợp tác đa ngành trong phòng chống và ứng phó với kháng thuốc, tôi có thể hình dung Việt Nam sẽ đi đầu trong việc đối mặt với mối đe dọa toàn cầu đang ngày càng gia tăng này. Việc chính thức ban hành Kế hoạch Hành động trong lĩnh vực y tế ngày hôm nay là một bước ngoặt quan trọng, góp phần đáng kể vào các nỗ lực giảm thiểu kháng thuốc trên toàn cầu, định hình sức khỏe và hạnh phúc của các thế hệ mai sau."