A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mở rộng mạng lưới bệnh viện chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh nhi mắc đái tháo đường Típ 1

Chiều ngày 4/4, tại Hà Nội, Hội Nhi khoa Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tổ chức họp tổng kết hoạt động Dự án Chung sống cùng đái tháo đường típ 1 (CDiC) năm 2024 và đề xuất các sáng kiến cho năm 2026-2029. Cuộc họp cũng đánh dấu mốc với 1.000 trẻ em Đái tháo đường típ 1(ĐTĐT1) được hỗ trợ.

 Tham dự cuộc họp, có đại diện lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh, Vụ Bảo hiểm y tế, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Hội Nhi khoa Việt Nam, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Trường Đại học Y Hà Nội và Novo Nordisk Việt Nam, ….cùng các thành viên liên quan.

Phát biểu tại cuộc họp, PGS.TS Trần Minh Điển – Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Chương trình CDiC- Chung sống cùng đái tháo đường típ 1” là một hành trình dài mà chúng ta đã cùng nhau xây dựng, phát triển và lan toả suốt nhiều năm qua.

         Năm 2024, Chương trình tiếp tục ghi nhận những dấu ấn tích cực từ việc hoàn thiện mạng lưới chăm sóc bệnh nhân, tổ chức các hoạt động giáo dục, truyền thông, đến việc kết nối chặt chẽ hơn giữa các tuyến điều trị và các chuyên ngành khác nhau. Cụ thể, trên 1.500 nhân viên y tế được đào tạo cơ bản, hơn 100 nhân viên y tế được đào tạo nâng cao trong ứng dụng insulin thế hệ mới và công nghệ trong kiểm soát ĐTĐ T1, thiết lập nhóm bác sỹ trẻ xây dựng nội dung giúp nâng cao nhận thức và kiến thức tự chăm sóc cho bệnh nhân và gia đình bệnh nhân mắc ĐTĐ Típ 1.

TS Nguyễn Trọng Khoa- Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và PGS.TS Trần Minh Điển- Giám đốc BV Nhi Trung ương, Chủ tịch Hội Nhi khoa VN chủ trì cuộc họp

 Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Minh Điển vẫn còn những thách thức phía trước như thiếu hệ thống quản lý thông tin bệnh nhân hiệu quả, chưa có chương trình giáo dục cấu trúc riêng cho bệnh nhi và gia đình hay sự phối hợp liên chuyên khoa chưa đồng bộ.  Việc điều trị, chăm sóc bệnh nhân ĐTĐT1 mới tâp trung ở các cơ sở y tế chuyên sâu và cần sự phối hợp liên ngành giữa bệnh viện- bác sỹ- bệnh nhân- gia đình- trường học, cộng đồng….  

          TS.BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đánh giá cao nỗ lực triển khai dự án và nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc phát hiện và điều trị sớm bệnh ĐTĐT1 để tránh biến chứng nghiêm trọng. TS Khoa cũng đề nghị Hội Nhi khoa Việt Nam và Bệnh viện Nhi Trung ương tăng cường đào tạo năng lực chẩn đoán, điều trị, quản lý ĐTĐT1 cho bác sĩ chuyên ngành Nhi. Mở rộng  mạng lưới bệnh viện được đào tạo và bác sỹ điều trị, nhóm chăm sóc, can thiệp cho bệnh nhi mắc ĐTĐT1.

         Trong giai đoạn  2026-2029, Hội Nhi khoa Việt Nam và các thành viên Hội đồng cố vấn Chương trình CDiC tập trung vào đổi mới phương pháp quản lý thông tin người bệnh ĐTĐT1; tăng cường chẩn đoán sớm, giảm biến chứng cấp tỉnh khi chẩn đoán và cải thiện chất lượng chăm sóc;  mở rộng mạng lưới bệnh viện lên 24 bệnh viện năm 2025, 34 bệnh viện năm 2026 và lên 45 bệnh viện vào năm 2029, tăng cường vai trò của tuyến cơ sở và đặc biệt cá thể hoá chăm sóc phù hợp với từng mức độ bệnh và điều triện địa phương.

TS.BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh phát biểu

Cũng tại cuộc họp các đại biểu và đại diện dự án đã đưa ra một số khó khăn, thách thức và bài học kinh nghiệm khi thực hiện dự án, đồng thời thống nhất về các hoạt động trong thời gian tới.

      CDiC là chương trình hợp tác công tư, được bắt đầu vào năm 2009, tới nay đã có 30 quốc gia tham gia. Chương trình do Novo Nordisk khởi xướng với sự tham gia của các đối tác toàn cầu như Roche, Liên đoàn đái tháo đường thế giới (IDF), Quỹ đái tháo đường thế giới (WDF). Tại Việt Nam, Hội Nhi khoa Việt Nam và Đại sứ quán Đan Mạch là đơn vị chủ quản thực hiện dự án với sự chứng kiến của Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và sự hỗ trợ mạnh mẽ của Novo Nordisk và Roche Việt Nam. Mục tiêu của chương trình là cung cấp dịch vụ chăm sóc toàn diện cho trẻ em và thanh thiếu niên mắc bệnh Đái tháo đường típ 1 (ĐTĐT1) sống ở các nước với nguồn lực hạn chế.

      Tại Việt Nam, đến nay dự án CDiC  đã hỗ trợ trên 1.000 trẻ em, 3745 nhân viên y tế được đào tạo về chẩn đoán và quản lý bệnh đái tháo đường típ 1 (ĐTĐT1). 23 bệnh viện đã được tham gia vào mạng lưới chương trinh CDiC. 157 trẻ và gia đình đã tham dự câu lạc bộ nâng cao chất lượng tự chăm sóc ĐTĐ típ 1; Phiên Hỏi- đáp nâng cao nhận thức về ĐTĐ típ 1 trực tuyến thu hút hơn 156 vạn lượt xem. Đặc biệt, Hướng dẫn điều trị, chăm sóc toàn diện trên trẻ và thanh thiếu niên mắc ĐTĐ típ 1 đã được xây dựng và phát hành đến nhân viên y tế.

Các đại biểu thảo luận

 

PV.


Tin tức nổi bật

Danh sách các cơ sở Khám chữa bệnh đủ điều kiện khám sức khỏe
Để thuận tiện cho các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân và các doanh nghiệp trong việc tra cứu cũng như thực hiện các nội dung liên quan đến khám sức khỏe, Bộ Y tế đã tổng hợp danh sách các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã công bố đủ điều kiện thực ...
Đầu năm 2025: Trong một tuần 21 cuộc đời hồi sinh nhờ ghép tạng
Chỉ trong 6 ngày (Từ ngày 6 – 11/1/2025), Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã ghi nhận những thành tích nổi bật trong công tác vận động hiến tạng từ người hiến chết não và ghép tạng. Với sự đồng thuận cao từ 4 gia đình bệnh nhân chết não hiến tạng, các y ...