Đổi mới truyền thông nâng cao nhận thức và hỗ trợ phụ nữ trong phòng, chống bệnh ung thư vú
Chiều ngày 30/10 tại Hà Nội, Tổng hội Y học Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Công ty TNHH Novartis Việt Nam tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Đổi mới truyền thông nâng cao nhận thức trong điều trị ung thư vú, góp phần chăm sóc sức khoẻ phụ nữ”.
Tại sự kiện này đã diễn ra Lễ kí kết thoả thuận thực hiện Chương trình “Nâng cao nhận thức và tăng cường hỗ trợ Phụ nữ trong công tác phòng, chống mắc ung thư vú tại Việt Nam” giữa Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Công ty TNHH Novartis Việt Nam. Chương trình được thực hiện từ tháng 10 năm 2024 đến hết tháng 12 năm 2026 với mục tiêu đẩy mạnh truyền thông và nâng cao kiến thức về ung thư vú trong cộng đồng.
Sự kiện thu hút hơn 30 chuyên gia đầu ngành từ Tổng hội Y học Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, các Cơ quan quản lý thuộc Bộ Y tế: Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Vụ Bảo hiểm y tế, Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Trung ương, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, cùng các tổ chức, câu lạc bộ bệnh nhân ung thư.
Theo thống kê từ Globocan 2022, ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất ở Việt Nam, với 24.563 ca mắc mới, chiếm 28,9% các ca ung thư ở nữ giới. Nghĩa là cứ trong 100.000 phụ nữ sẽ có 24,5 người được chẩn đoán mắc ung thư vú. Mỗi năm, căn bệnh này gây ra hơn 10.000 ca tử vong, chiếm 8,3% tổng số ca tử vong do ung thư tại Việt Nam.(1) Mặc dù vậy, nhận thức về bệnh trong cộng đồng vẫn còn hạn chế.
Phát biểu tại Toạ đàm, PGS. TS Nguyễn Thị Xuyên - Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Tổng Hội Y học Việt Nam cho biết, hiện nay với sự phát triển của khoa học công nghệ và năng lực chuyên môn trong lĩnh vực y khoangày càng nhiều giải pháp điều trị bệnh ung thư vú được phát minh, đem lại chất lượng điều trị tốt hơn và giảm thiểu nguy cơ tái phát cho người bệnh. Tuy nhiên, việc điều trị đòi hỏi không chỉ năng lực chuyên môn của nhân viên y tế, mà còn cần đến sự phối hợp và tuân thủ của người bệnh. Trên thực tế, nhận thức của người dân vẫn còn hạn chế và trong quá trình tìm hiểu thông tin về bệnh, người dân dễ dàng gặp phải những thông tin không chính thống, ảnh hưởng đến quá trình điều trị của họ.
Do đó, buổi toạ đàm này nhằm mục tiêu nhấn mạnh vai trò quan trọng của sự hiểu biết của người bệnh và cộng đồng về bệnh ung thư vú, cũng như tạo ra một diễn đàn để các đơn vị y tế, bệnh nhân và các cơ quan báo chí thảo luận những giải pháp truyền thông hiệu quả, đổi mới, sáng tạo, đáp ứng với nhu cầu thông tin của người bệnh và cộng đồng.
Bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chia sẻ: Ung thư vú là loại ung thư thường gặp nhất ở nữ giới. Bệnh tuy nguy hiểm nhưng lại có thể chữa trị khỏi nếu phát hiện ở giai đoạn sớm và điều trị kịp thời, đúng cách. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn nhiều trường hợp chị em phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn và cũng không ít người khi phát hiện bệnh lại chưa tuân thủ điều trị do thiếu động lực, thiếu niềm tin vào phác đồ điều trị của bác sĩ, hoặc tìm đến những hình thức điều trị chưa được khoa học chứng minh. Do đó, Chương trình hợp tác “Nâng cao nhận thức và tăng cường hỗ trợ phụ nữ trong công tác phòng, chống bệnh ung thư vú tại Việt Nam” giúp phát hiện sớm và điều trị ung thư vú, mở ra cơ hội cho nhiều bệnh nhân được chữa khỏi bệnh hoặc ổn định bệnh lâu dài, thúc đẩy bình đẳng giới và góp phần vào những nỗ lực chung của quốc gia trong việc sớm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Chia sẻ thực tế tại Việt Nam, TS.BS Lê Thu Hà, Trưởng khoa Nội 1- Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cho biết, ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất ở Việt Nam. Theo thống kê, cứ trong 100.000 phụ nữ sẽ có 24,5 người được chẩn đoán mắc ung thư vú . Tuy nhiên nhận thức về căn bệnh này trong cộng đồng vẫn còn hạn chế. Dù có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị nhưng ung thư vú vẫn là gánh nặng với tiên lượng kém trên một số nhóm bệnh nhân. Có từ 5-10% bệnh nhân đã ở giai đoạn di căn khi được chẩn đoán; 30% bệnh nhân ung thư vú giai đoạn sớm sẽ diễn tiến đến giai đoạn di căn.
Bà Karina Ng, Tổng Giám đốc Novartis Việt Nam, nhấn mạnh: “Novartis cam kết mang đến những giải pháp chăm sóc sức khỏe tiên tiến để hỗ trợ phụ nữ nói chung và bệnh nhân nói riêng. Công ty luôn đặt mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ cho người bệnh thông qua các dự án cộng đồng và hợp tác với các tổ chức y tế. Tôi kỳ vọng Chương trình Hợp tác giữa Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Novartis Việt Nam sẽ mang đến hi vọng và niềm tin cho nhiều bệnh nhân được chữa khỏi bệnh hoặc ổn định bệnh lâu dài. Song song đó, tôi tin rằng các phương pháp điều trị tiến bộ mới hiện nay sẽ đem lại hiệu quả cao, từ đó giúp người bệnh cải thiện tốt hơn chất lượng cuộc sống của mình”.
Chương trình “Nâng cao nhận thức và tăng cường hỗ trợ phụ nữ trong công tác phòng, chống bệnh ung thư vú tại Việt Nam” là sự kiện nằm trong khuôn khổ nền tảng APPIS (Alliance & Partnerships for Patient Innovation & Solutions - Liên minh và hợp tác vì các sáng kiến và giải pháp cho bệnh nhân) được xây dựng và tài trợ bởi Novartis nhằm mang lại chất lượng chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho người dân tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Trung Đông và Châu Phi. Chương trình bao gồm nhiều hoạt động truyền thông cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức về bệnh ung thư vú và giảm kỳ thị liên quan đến các bệnh về sức khỏe sinh sản. Đồng thời, các hình thức truyền thông đa dạng trên các nền tảng mạng xã hội và kỹ thuật số sẽ được triển khai nhằm giúp phụ nữ tiếp cận kiến thức chăm sóc sức khỏe dễ dàng, thuận tiện hơn, từ đó hình thành thói quen khám sức khỏe định kỳ và tự khám vú nhằm phát hiện bệnh sớm. Chương trình còn cung cấp những thông tin hữu ích giúp phụ nữ mắc ung thư vú tuân thủ điều trị, mang lại cho họ chất lượng sống tốt hơn và phòng ngừa nguy cơ tái phát.
Bên cạnh đó, chương trình cũng hướng đến việc tổ chức các sự kiện truyền cảm hứng và xây dựng mô hình mạng xã hội và kênh thông tin chăm sóc sức khoẻ phụ nữ, trong đó có phòng, chống bệnh ung thư vú, do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam quản lý. Những sự kiện này không chỉ giúp kết nối cộng đồng mà còn mang đến sự hỗ trợ và động viên cho những phụ nữ đang đối mặt với căn bệnh.
Ưu tiên lấy phụ nữ làm trung tâm, các hoạt động của chương trình sẽ được xây dựng dựa trên nguyên tắc lắng nghe và thấu hiểu nhu cầu của phụ nữ, của chính bệnh nhân trong việc tiếp cận thông tin về bệnh với sự tham gia của các tổ chức bệnh nhân như Mạng lưới Câu lạc bộ Phụ nữ Kiên Cường, Sáng kiến Ung thư Muối, Tổ chức Y học Cộng đồng.
PV.