Việt Nam tổ chức buổi lễ “Thắp sáng xanh lam” hưởng ứng “Ngày Phòng chống bệnh Đái tháo đường Thế giới“ 2023
Hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống đái tháo đường (14/11), tối 11/11, tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), Bộ Y tế phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam và Hội Nhi khoa Việt Nam tổ chức hoạt động “Thắp sáng xanh lam” nâng cao nhận thức về đái tháo đường.
Theo Tiến sĩ Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), đái tháo đường là một mối đe doạ sức khoẻ công cộng trên toàn thế giới cũng như ở Việt Nam. Đái tháo đường là một trong những vấn đề cấp bách y tế toàn cầu lớn nhất của thế kỷ 21, làm chậm lại quá trình phát triển kinh tế, cản trở quá trình đạt mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Chi phí y tế đối với đái tháo đường ở người trưởng thành chiếm 12% chi phí y tế toàn cầu.
TS Vương Ánh Dương- Phó Cục trưởng Cục QLKCB phát biểu tại buổi lễ
Theo thống kê của Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF), năm 2021, trên thế giới ước tính có khoảng 537 triệu người trưởng thành đang sống chung với bệnh đái tháo đường. Con số này được dự đoán sẽ tăng lên 783 triệu người vào năm 2045. “Tuy nhiên có đến một nửa số người đái tháo đường không được chẩn đoán. Nhiều người đang sống với bệnh đái tháo đường típ 2 trong một thời gian dài mà không nhận biết được tình trạng bệnh của họ. Đến khi được chẩn đoán, thường đã xuất hiện các biến chứng của bệnh. Nhưng thật lạc quan, 70% trường hợp đái tháo đường típ 2 có thể được phòng ngừa hoặc trì hoãn bởi thực hiện các lối sống khoẻ mạnh”, Tiến sĩ Vương Ánh Dương thông tin.
Tại Việt Nam, ước có khoảng gần 7 triệu người đang phải sống chung với căn bệnh đái tháo đường. Hầu hết trong số này là đái tháo đường típ 2. Nhưng chỉ 1/3 số người mắc đái tháo đường được chẩn đoán phát hiện, tương đương hơn 2,5 triệu người mắc đái tháo đường chưa được chẩn đoán và phát hiện.
Dịp này, Bộ Y tế đã kêu gọi toàn thể mọi người dân hãy có trách nhiệm với sức khoẻ của mình, quan tâm đến và duy trì cuộc sống khoẻ mạnh bằng cách thực hiện lối sống lành mạnh để phòng ngừa bệnh đái tháo đường và các bệnh tật khác. Hãy sàng lọc để được chẩn đoán sớm bệnh đái tháo đường. Với các nhân viên y tế cần nâng cao nhận thức và kiến thức về đái tháo đường cho mọi người; tăng cường trình độ chuyên môn để tư vấn, điều trị, quản lý bệnh đái tháo đường hiệu quả.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Minh Điển, Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam, Giám đốc BV Nhi TW chia sẻ: Các bệnh viện nhi, sản nhi các tuyến thuộc hệ thống nhi khoa tích cực khám chữa bệnh cho nhóm trẻ em mắc đái tháo đường típ 1 từ nhiều năm nay. Được sự hỗ trợ từ chương trình CDiC, Hội nhi Khoa Việt Nam phối hợp cùng nhiều bệnh viện và hiệp hội chuyên khoa trong cả nước thông qua các hoạt động đào tạo dành cho nhân viên y tế, chương trình nâng cao nhận thức và giáo dục cho bệnh nhân, hỗ trợ thiết bị đo đường huyết cá nhân, đóng góp chuyên môn xây dựng hướng dẫn điều trị đái tháo đường típ 1 trên trẻ em…
Ông Erik Weibols, Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Novo Nordisk Việt Nam thể hiện cam kết lâu dài trong việc hỗ trợ nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh đái tháo đường.
Nhân dịp này, TS. Trần Thị Trang, Vụ trưởng, Vụ Bảo hiểm Y tế; TS.BS Phan Hướng Dương, Phó giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương và PGS.TS.BS. Vũ Chí Dũng – Giám đốc Trung tâm Nội tiết, Chuyển hóa, Di truyền và Liệu pháp phân tử, Bệnh viên Nhi Trung ương cũng có phần đối thoại với lời kêu gọi cộng đồng cần chủ động trong chăm sóc sức khỏe; có lối sống lành mạnh;đánh giá nguy cơ để phát hiện sớm bệnh đái tháo đường típ 2; sàng lọc biến chứng và tuân thủ điều trị để nâng cao chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ của những người đang chung sống với bệnh đái tháo đường. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng kêu gọi người dân và những người đang chung sống cùng bệnh đái tháo đường chủ động trang bị kiến thức để bảo vệ sức khỏe hôm nay và ngày mai.
Kết thúc buổi lễ hưởng ứng, các đại biểu đến từ Đại sứ quán Đan Mạch, Bộ Y tế, Hội Nhi khoa Việt Nam và Novo Nordisk Việt Nam với sự chứng kiến của các cán bộ y tế và người dân đã cùng chung tay thắp sáng xanh lam tòa nhà Bưu điện Hà Nội - một công trình mang dấu ấn lịch sử và là biểu tượng văn hóa của Hà Nội. Đây là một hoạt động biểu tượng về sự chung tay hành động trong hoạt động phòng và kiểm soát bệnh đái tháo đường.
Ngày Đái tháo đường thế giới (WDD) tổ chức hàng năm vào ngày 14 tháng 11 đã được thiết lập bởi Hiệp hội Đái tháo đường thế giới và Tổ chức Y tế thế giới vào năm 1991 và đã trở thành một ngày chính thức của Liên Hiệp Quốc vào năm 2006. Chiến dịch Ngày Đái tháo đường thế giới được đại diện bởi một logo vòng tròn màu xanh- là biểu tượng toàn cầu về nhận thức đối với đái tháo đường, thể hiện sự đoàn kết của cộng đồng người bệnh ĐTĐ trên toàn cầu trong ứng phó với dịch bệnh ĐTĐ. Chiến dịch hưởng ứng Ngày phòng chống bệnh Đái Tháo đường Thế giới năm 2023 được tổ chức trên toàn thế giới với chủ đề “Tiếp cận chăm sóc bệnh đái tháo đường” và thông điệp cụ thể “Hiểu nguy cơ, Biết hành động” (Know your risk, Know your response) tập trung vào tầm quan trọng của việc biết nguy cơ của bệnh đái tháo đường để giúp phòng và trì hoãn bệnh tiến triển, đồng thời nêu bật tác động của các biến chứng liên quan đến bệnh đái tháo đường cũng như tầm quan trọng của việc tiếp cận thông tin và chăm sóc phù hợp để đảm bảo điều trị kịp thời và quản lý bệnh đái đường típ 1, típ 2 và đái tháo đường thai kỳ, hướng tới nâng cao chất lượng cuộc sống của những người đang chung sống cùng bệnh |
PV.