A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khai mạc Hội nghị Quản lý bệnh viện châu Á lần thứ 18 năm 2019 (HMA 2019)

Trong 2 ngày 11 và 12/9, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Bộ Y tế Việt Nam, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh phối hợp với Hiệp hội quản lý Bệnh viện châu Á tổ chức Hội nghị Quản lý bệnh viện châu Á lần thứ 18 (HMA 2019). Đây là lần thứ 4 […]

Trong 2 ngày 11 và 12/9, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Bộ Y tế Việt Nam, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh phối hợp với Hiệp hội quản lý Bệnh viện châu Á tổ chức Hội nghị Quản lý bệnh viện châu Á lần thứ 18 (HMA 2019). Đây là lần thứ 4 hội nghị được tổ chức tại Việt Nam (2009, 2012, 2016) và thu hút trên 2.500 đại biểu từ 28 quốc gia gồm các diễn giả, nhà quản lý, lãnh đạo các bệnh viện hàng đầu trong khu vực và các nhà cung cấp giải pháp hỗ trợ y tế tên tuổi trên thế giới tham dự.

Toàn cảnh Hội nghị HMA 2019

Về phía Việt Nam, trên 100 đại biểu từ Bộ Y tế và 80 bệnh viện trong cả nước đã tham dự Hội nghị với nhiều dự án cải tiến chất lượng bệnh viện để chia sẻ với các đồng nghiệp trong khu vực. Phiên khai mạc toàn thể Hội nghị có sự tham dự của PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến- Bộ trưởng Bộ Y tế; TS Kidong Park- Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam; Tiến sĩ Dzulkefly Ahmad, Bộ trưởng Bộ Y Tế Malaysia.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ những thông tin về y tế Việt Nam

 Hội nghị Quản lý bệnh viện châu Á (HMA) là một sự kiện thường niên được tổ chức trong khu vực nhằm giúp các chủ sở hữu bệnh viện, giám đốc điều hành, giám đốc, bác sĩ và các lãnh đạo y tế có được những hiểu biết về tư duy quản lý mảng chăm sóc sức khỏe, hệ thống thực hành và các giải pháp tốt nhất từ khắp thế giới đồng thời tạo ra một diễn đàn kết nối thực và ảo ở châu Á.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu khai mạc

Các giám đốc điều hành hàng đầu trong khu vực sẽ gặp gỡ để trao đổi và học hỏi các ý tưởng về việc phát triển mô hình kinh doanh, công nghệ tiên tiến và những cải thiện trong việc điều hành cũng như hệ thống chăm sóc sức khỏe. Các đại biểu thảo luận về những đề tài như các công nghệ mới nhất cho y tế, giảm chi phí, và đưa ra giải pháp an toàn cho bệnh nhân để tăng hiệu quả, cũng như cải thiện kết quả của bệnh nhân. Hội nghị cũng sẽ thảo luận về Y tế 4.0 và đầu tư vào các bệnh viện, y tế trên khắp châu Á, đồng thời tôn vinh những thành tích đạt được của các bệnh viện trong ngành.

Phát biểu tại đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, trong những năm gần đây, Bộ Y tế Việt Nam đã thực hiện chương trình đổi mới ngành y tế với mục tiêu hướng tới bao phủ chăm sóc sưc skhoer toàn dân, trong đó cấu phần chất lượng dịch vụ y tế là vô cùng quan trọng để bảo đảm an toàn cho người bệnh và người dân. Với phương châm “lấy người bệnh làm trung tâm”, cung cấp dịch vụ an toàn, chất lượng và đạt sự hài lòng của người bệnh, ngành Y tế đã xây dựng Bộ Tiêu chí chất lượng bệnh viện với 83 tiêu chí và 1.200 tiểu mục có cập nhật với JCI nhằm cụ thể hoá được những gì người bệnh đáng được hưởng, đánh giá được thực trạng và đo lường được sự cải thiện chất lượng bệnh viện.

 Ngành cũng triển khai các Tiêu chí An toàn phẫu thuật cập nhật theo Tổ chức Y tế thế giới, chất lượng xét nghiệm cập nhật theo ISO-15189 và đang từng bước xây dựng hệ thống đánh giá chất lượng độc lập. Đồng thời triển khai chương trình Bệnh viện vệ tinh, nhằm chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến dưới góp phần nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ của các bệnh viện tuyến dưới, củng cố lòng tin của người dân với hệ thống y tế cơ sở, giảm tỷ lệ chuyển tuyến, người dân được hưởng các dịch vụ kỹ thuật cao, an toàn chất lượng ngay tại địa phương mình. Bên cạnh việc bảo đảm an toàn, chuẩn mực lâm sàng đối với những gì người bệnh được hưởng, ngành Y tế quan tâm đến sự hài lòng của người bệnh và nhân viên y tế thông qua việc thiết lập Đường dây nóng ngành y tế để lắng nghe trực tiếp phản hồi của người bệnh về chất lượng dịch vụ; triển khai chương trình Nâng cao kỹ năng giao tiếp ứng xử cho nhân viên các bệnh viện; áp dụng bộ câu hỏi để khảo sát sự hài lòng của người bệnh tại các bệnh viện, theo kết quả đánh giá độc lập của Liên hợp quốc, do tổ chức PAPI thực hiện, chỉ số hài lòng của người bệnh đạt 83%.

 Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, để đảm bảo ngành y tế vận hành hiệu quả, tài chính y tế là rất quan trọng. Hiện nay, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế của Việt Nam đạt 89%, nhà nước hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho tất cả các đối tượng nghèo, cận nghèo; gói quyền lợi bảo hiểm y tế tương đối rộng so với mức đóng, bao gồm cả chi trả thuốc, chi phí điều trị một số bệnh nặng, chi phí lớn như ung thư, ghép tạng. Bên cạnh đó, ngành Y tế tổ chức khám chữa bệnh theo yêu cầu trong bệnh viện nhằm huy động nguồn lực xã hội và đa dạng hoá mô hình cung cấp dịch vụ. Giá dịch vụ y tế được xây dựng và kiểm soát bởi chính phủ và công khai tại tất cả các bệnh viện. “Là một nước thu nhập trung bình, nguồn lực y tế còn nhiều hạn chế, Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực trong việc bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ người dân. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu và kết quả bước đầu đạt được, trong thời gian tới, chúng tôi trung giải quyết một số vấn đề như: Nâng cao chất lượng y tế cơ sở; Tiếp tục đổi mới phương pháp chi trả dịch vụ theo hướng DRG/Case-mix; Xây dựng hệ thống kiểm định lâm sàng và Tiến tới Đánh giá chất lượng độc lập, công khai kết quả và gắn với chi trả bảo hiểm y tế”, Bộ trưởng Bộ Y tế chia sẻ.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh- Đơn vị được Bộ Y tế giao là đầu mối đăng cai tổ chức Hội nghị quản lý Bệnh viện châu Á HMA 2019 cho biết, đổi mới quản lý chất lượng và đổi mới quản lý bệnh viện là mục tiêu mà các bệnh viện Việt Nam đang hướng tới. “Hội nghị Quản lý Bệnh viện châu Á 2019 được tổ chức tại Việt Nam là cơ hội để các nhà quản lý, lãnh đạo các bệnh viện học tập, chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý, điều hành bệnh viện nhằm thực hiện mục tiêu cuối cùng của mọi giải pháp là bệnh viện chất lượng và an toàn người bệnh. Chúng tôi mong muốn, sau Hội nghị này, các bệnh viện Việt Nam sẽ không ngừng nâng cao và cải thiện kỹ năng quản lý, điều hành bệnh viện, đặc biệt trong cơ chế tự chủ như hiện nay”, PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.

Hội nghị năm nay bao gồm 5 đề án chính, trong đó có một đề án mới dành riêng cho các nhà lãnh đạo cấp C để thảo luận về tính bền vững của tài chính thông qua đầu tư, tác động của chính sách công tới các dịch vụ bệnh viện, và làm thế nào để giải quyết những thách thức trong việc thực hiện dựa trên sự quan tâm về các giá trị có sẵn. Bên cạnh đó, một số đề án khác gồm có An toàn, Chất lượng và Kiểm định; Chăm sóc bệnh nhân và Cam kết; Quản lý nhân tài và Y tế 4.0.

Ký kết hợp tác giữa 3 BV Việt Nam và 3 BV của Malaisia

Tại Hội nghị, trước sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y Tế Malaysia Dzulkefly Ahmad, Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác nhằm thiết lập sự phối hợp điều trị chăm sóc sức khỏe giữa ba bệnh viện của Việt Nam (gồm Bệnh viện đa khoa Hùng Vương, Bệnh viện đa khoa Quang Khởi và Bệnh viện Tai Mũi Họng miền Trung) với ba bệnh viện của Malaysia (gồm Trung tâm Y tế Mahkota, Trung tâm Y tế Subang Jaya và Trung tâm Y tế Sunway). Đồng thời, tại hội nghị cũng diễn ra Giải thưởng Quản lý Bệnh viện châu Á nhằm công nhận và vinh danh các bệnh viện ở châu Á – Thái Bình Dương hành nghề tốt nhất./.

Lê Hảo


Tin tức nổi bật

Viện Y học Biển: Đăng tải bản công bố cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng yêu cầu là cơ sở hướng dẫn thực hành. Đối tượng thực hành: Bác sỹ; Điều dưỡng; Hộ sinh; Kỹ thuật y; Cấp cứu ngoại viện.
Bản công bố cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng yêu cầu là cơ sở hướng dẫn thực hành - Viện Y học Biển. Đối tượng thực hành: Bác sỹ; Điều dưỡng; Hộ sinh; Kỹ thuật y; Cấp cứu ngoại viện.
Các loại giấy khám sức khỏe không phải là Thủ tục hành chính
Ngày 26/3, Bộ Y tế đã có Công văn số 1435/BYT-KCB gửi Sở Y tế 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Bệnh viện, Viện trực thuộc Bộ Y tế; Bệnh viện trực thuộc trường Đại học và Y tế Bộ, ngành về hướng dẫn văn bản liên quan  công tác khám sức khỏe.