Gù vẹo cột sống: Đừng để quá nặng mới thăm, khám
Sáng 4/6, đã có gần 150 người bệnh có mặt tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để tham gia chương trình Khám, tư vấn, X-quang miễn phí bệnh lý gù vẹo cột sống. Trong đó, đa số là trẻ em do dịch COVID-19 làm gián đoạn không thể đi khám và điều trị. Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã bố trí các chuyên gia và bác sỹ giỏi trong lĩnh vực này như PGS.TS Đinh Ngọc Sơn- Trưởng khoa Phẫu Thuật Cột sống; TS.BS Vũ Hoàng Long, TS Đỗ Mạnh Hùng,...để thăm khám cho các cháu.
PGS. TS Đinh Ngọc Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật Cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: Gù vẹo cột sống là căn bệnh khá phổ biến hiện nay. Số trẻ em bị bệnh chiếm từ 0,5 đến 1% dân số. Có 3 nhóm nguyên nhân lớn gây bệnh vẹo cột sống trẻ em: Nhóm 1: Tự phát, không có nguyên nhân rõ ràng, thường xuất hiện khi trẻ bắt đầu bước vào giai đoạn dậy thì; Nhóm 2: Trẻ mắc các dị tật bẩm sinh của cột sống như tật nửa thân đốt sống, dính đốt sống... gây nên vẹo cột sống; Nhóm 3: Tư thế như ngồi học không đúng, mang vác quá nặng, hoặc kích thước bàn ghế học không phù hợp với lứa tuổi, do bệnh còi xương, suy dinh dưỡng, chấn thương do tai nạn...
Đề cập đến nguyên nhân gây bệnh, theo PGS.TS Đinh Ngọc Sơn, có đến 80 - 85% trường hợp bị gù, vẹo cột sống không rõ nguyên nhân, một số bị bệnh bẩm sinh, hoặc mắc bệnh khác liên quan tới thần kinh - cơ. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp khác bị vẹo cột sống do ngồi sai tư thế lâu ngày.
Thời gian qua, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tiếp nhận điều trị cho nhiều trường hợp đặc biệt. Điển hình như bệnh nhân Hoàng Thị Thu T (15 tuổi, ở tỉnh Lạng Sơn) sinh ra hoàn toàn bình thường nhưng đến năm học lớp 8, nữ sinh này có biểu hiện mệt mỏi, gù một bên bả vai.
Khoảng một năm sau đó, tình trạng của T càng nặng hơn, cột sống cong vẹo hơn, thậm chí ngay cả việc nằm ngủ cũng trở nên khó khăn hơn bình thường. Đến tháng 7-2021, T được các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức phẫu thuật cột sống.
Gần một năm sau phẫu thuật, hôm qua (19-5), T đã đến bệnh viện để tái khám định kỳ. Dù vẫn còn phải đeo nẹp phục hồi chức năng nhưng em đã có thể đứng thẳng, hai vai cân bằng hơn, việc vận động cũng dễ dàng hơn trước. Đặc biệt, sau mổ, T đã cao thêm được hơn 10cm và tăng thêm 9kg cân nặng.
PGS.TS Đinh Ngọc Sơn cho biết, vẹo cột sống nặng ảnh hưởng đến sự phát triển của các cơ quan trong cơ thể, như gây ra tình trạng chèn ép, không đủ phế nang phổi gây khó thở, sau đó ảnh hưởng tim, hệ tiêu hóa, tuần hoàn, chèn ép gan, lách... Chính vì vậy, người thân cần theo dõi sát trẻ, phát hiện bệnh vẹo cột sống càng sớm càng tốt.
Việc phát hiện sớm, can thiệp kịp thời, PHCN và điều trị kịp thời gù vẹo cột sống có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần ngăn chặn và giảm thiểu những biến chứng trầm trọng nêu trên. Tuy nhiên, một thách thức to lớn khác là vẹo cột sống ở trẻ nhỏ thì việc phẫu thuật lại vô cùng khó khăn do đặc điểm giải phẫu sinh lý của trẻ là cột sống còn đang tiếp tục phát triển.Thông thường, phụ huynh phát hiện khi cho con tắm hoặc đi bơi. Nhiều trường hợp trẻ cong vẹo cột sống song không được phát hiện, nhất là vào mùa đông khi trẻ mặc nhiều quần áo. Biểu hiện vẹo cột sống dễ nhận biết là sự mất cân đối của 2 bên cơ thể như vai, hông, hai tay, vai bên cao bên thấp, khi đứng thẳng tay chân không đều. Do đó, bố mẹ cần theo dõi sát và phát hiện những bất thường về cột sống ở trẻ để có can thiệp kịp thời.
PGS.TS Đinh Ngọc Sơn cũng khuyến cáo, trẻ trong độ tuổi trưởng thành cần bổ sung dinh dưỡng hợp lý, tăng cường thể dục thể thao, trong đó bơi lội, đu xà, bóng rổ... rất tốt cho sự phát triển cơ xương khớp ở trẻ.
Lê Hảo