Cá thể hoá điều trị: hướng đi mới trong quản lý lạc nội mạc tử cung
Ngày 16/11, hơn 500 cán bộ y tế trên cả nước đã tham gia chương trình đào tạo về chẩn đoán và điều trị lạc nội mạc tử cung. Chương trình thuộc Dự án Đào tạo quốc tế nâng cao về lạc nội mạc tử cung do Hội Phụ sản Việt Nam (VAGO) phối hợp cùng Hiệp hội Lạc nội mạc tử cung thế giới (WES) và Abbott Việt Nam thực hiện.
Dự án hướng đến mục tiêu cung cấp kiến thức lâm sàng cập nhật nhất cho chuyên gia y tế từ các chuyên gia hàng đầu trên thế giới, hỗ trợ phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị để từ đó góp phần giảm thiểu biến chứng, bảo toàn chức năng sinh sản, nâng cao chất lượng sống cho người bệnh tại Việt Nam.
GS.TS. Nguyễn Viết Tiến, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Y khoa Quốc gia, Chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam, cho biết lạc nội mạc tử cung là một bệnh phụ khoa mạn tính phổ biến, có khả năng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt hàng ngày, chất lượng cuộc sống và khả năng sinh sản của phụ nữ. Dự án đào tạo này là một bước tiến quan trọng trong việc cải thiện chất lượng chẩn đoán và điều trị lạc nội mạc tử cung, qua đó góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ tại Việt Nam.
Thống kê cho thấy cứ 10 phụ nữ thì có 1 người bị lạc nội mạc tử cung với các triệu chứng như đau bụng kinh dữ dội, đau vùng chậu mạn tính, rối loạn kinh nguyệt v.v… ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể khiến phụ nữ khó mang thai, nguy cơ bị vô sinh, tăng nguy cơ mắc ung thư buồng trứng và các ung thư tuyến dạng nội mạc tử cung.
Tuy vậy, nhiều triệu chứng của lạc nội mạc tử cung thường tương đồng với biểu hiện của các bệnh lý khác khiến việc chẩn đoán chính xác và kịp thời gặp khó khăn. Một số phụ nữ phải chung sống với căn bệnh trong nhiều năm – trung bình mất 7 năm để được chẩn đoán bệnh, thậm chí là trong suốt độ tuổi sinh sản.
Thách thức đối với bệnh lạc nội mạc tử cung không chỉ dừng ở việc chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời. Mỗi bệnh nhân lại có đặc điểm, điều kiện, nguyện vọng khác nhau, đòi hỏi phác đồ điều trị cần được cá thể hóa để mang lại kết quả tối ưu. Chẳng hạn, với người bệnh đang trong độ tuổi sinh sản, việc giảm đau an toàn và bảo toàn chức năng sinh sản là ưu tiên hàng đầu. Bác sỹ điều trị có thể cân nhắc lựa chọn phương pháp điều trị bằng hormones như dydrogesterone để đáp ứng mục tiêu này.
Việc khai thác kỹ bệnh sử và dành thời gian trao đổi chi tiết với bệnh nhân sẽ giúp bác sĩ xây dựng phác đồ điều trị hiệu quả cho cả mục tiêu ngắn hạn và dài hạn.
Nhằm hỗ trợ chuyên gia y tế trong chẩn đoán và điều trị các vấn đề sức khỏe phụ nữ nói chung và lạc nội mạc tử cung nói riêng, những chương trình đào tạo quốc tế như i-TEA đóng vai trò quan trọng để cập nhật những thông tin và nghiên cứu lâm sàng mới nhất, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả điều trị, GS. TS Nguyễn Viết Tiến cho hay.
Trong thời gian qua, Công ty Abbott Việt Nam đồng hành cùng dự án đào tạo quốc tế i-TEA và tổ chức nhiều hội nghị khoa học toàn quốc về sức khỏe phụ nữ như Hội nghị được tổ chức vào tháng 4/2024, quy tụ hơn 1.300 chuyên gia y tế toàn quốc để trao đổi về những vấn đề lớn trong sức khỏe phụ nữ như lạc nội mạc tử cung, hỗ trợ sinh sản và mãn kinh; Hội nghị khoa học Châu Á – Thái Bình Dương thu hút hơn 1.100 chuyên gia hàng đầu trong nước và khu vực tham dự để chia sẻ, thảo luận về những góc nhìn mới trong điều trị các bệnh lý sản phụ khoa.
Bên cạnh đó, công ty đẩy mạnh nghiên cứu lâm sàng nhằm mang lại những kiến thức hữu ích giúp nâng cao chất lượng điều trị. Từ năm 2023, công ty đã phối hợp với Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tiến hành nghiên cứu lâm sàng trên phạm vi toàn quốc về hỗ trợ sinh sản. Đây là nghiên cứu đầu tiên về sức khỏe phụ nữ được thực hiện tại bệnh viện, với kỳ vọng mang lại kết quả tích cực về một phương pháp giúp cải thiện hỗ trợ sinh sản hiệu quả và thân thiện hơn với phụ nữ.
PV.