Căn cứ Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Căn cứ Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Căn cứ Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế; Theo đề nghị của Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh; Bộ trưởng Bộ Y tế (dự thảo) ban hành Thông tư Quy định phạm vi hoạt động chuyên môn đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
DỰ THẢO THÔNG TƯ
Quy định phạm vi hoạt động chuyên môn đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
Căn cứ Luật Khám bệnh, chữa bệnh;
Căn cứ Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
Căn cứ Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh;
Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư Quy định phạm vi hoạt động chuyên môn đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về những nội dung sau:
a) Phạm vi hoạt động chuyên môn của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp chứng chỉ hành nghề quy định tại Điều 17 Luật Khám bệnh, chữa bệnh, cụ thể:
– Bác sỹ đa khoa, bác sỹ các chuyên khoa (trừ bác sỹ y học cổ truyền, bác sỹ y học gia đình);
– Y sỹ (trừ y sỹ y học cổ truyền);
– Điều dưỡng viên;
– Hộ sinh viên;
– Kỹ thuật viên các chuyên khoa (bao gồm cả đối tượng cử nhân sinh học, hóa học và dược sĩ đại học quy định tại Điều 5 Nghị định 109/2016/NĐ-CP).
b) Phạm vi chuyên môn đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Điều 22 Nghị định 109/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Thông tư này áp dụng đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam; tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi chung là tổ chức, cá nhân) thực hiện các hoạt động liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam;
2. Thông tư này không quy định phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở y học gia đình, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y học cổ truyền và phạm vi hoạt động chuyên môn của đối tượng là bác sỹ y học cổ truyền, lương y, người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Thông tư này là người đã được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
2. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Thông tư này là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Chương II
PHẠM VI HOẠT ĐỘNG CHUYÊN MÔN CỦA NGƯỜI HÀNH NGHỀ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH
Điều 4. Phạm vi hoạt động chuyên môn của bác sỹ đa khoa
1. Người hành nghề bác sỹ đa khoa làm việc từ bệnh viện tuyến tỉnh trở lên được phép thực hiện khám bệnh, chữa bệnh các bệnh thường gặp/thông thường và thực hiện các kỹ thuật chuyên môn thuộc tuyến 4, 3 và 2 theo quy định của Thông tư số 43/2013/TT – BYT ngày 11 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế Quy định chi tiết phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và Thông tư số 21/2017/TT-BYT ngày 10 tháng 5 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung danh mục kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh ban hành kèm theo Thông tư số 43/2013/TT- BYT, ngày 11 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế (Thông tư số 43/2013/TT – BYT).
2. Người hành nghề bác sỹ đa khoa làm việc tại tuyến huyện được thực hiện khám bệnh, chữa bệnh các bệnh thường gặp/thông thường và thực hiện các kỹ thuật chuyên môn thuộc tuyến 3 và tuyến 4 theo quy định của Thông tư số 43/2013/TT – BYT ngày 11 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế Quy định chi tiết phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và Thông tư số 21/2017/TT-BYT ngày 10 tháng 5 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung danh mục kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh ban hành kèm theo Thông tư số 43/2013/TT- BYT, ngày 11 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
3. Người hành nghề bác sỹ đa khoa làm việc tại tuyến xã, được thực hiện khám bệnh, chữa bệnh các bệnh thường gặp/thông thường và thực hiện các kỹ thuật chuyên môn thuộc tuyến 4 theo quy định của Thông tư số 43/2013/TT – BYT ngày 11 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế Quy định chi tiết phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và Thông tư số 21/2017/TT-BYT ngày 10 tháng 5 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung danh mục kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh ban hành kèm theo Thông tư số 43/2013/TT- BYT, ngày 11 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Điều 5. Phạm vi hoạt động chuyên môn của bác sỹ chuyên khoa
1. Bác sỹ chuyên khoa là người thực hiện các kỹ thuật chuyên môn thuộc một trong 28 chuyên khoa theo quy định của Thông tư số 43/2013/TT-BYT ngày 11 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế về Quy định chi tiết phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và Thông tư số 21/2017/TT-BYT ngày 10 tháng 5 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
2. Người hành nghề đã được cấp chứng chỉ hành nghề có phạm vi hoạt động chuyên môn thuộc chuyên khoa nào thì được phép thực hiện toàn bộ các dịch vụ chuyên môn kỹ thuật của chuyên khoa đó theo danh mục chuyên khoa quy định tại Thông tư số 43/2013/TT-BYT và Thông tư số 21/2017/TT-BYT ngày 10 tháng 5 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Trường hợp bác sỹ thực hiện một hoặc một số phẫu thuật, thủ thuật loại đặc biệt quy định tại Thông tư số 50/2014/TT-BYT ngày 26 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về việc phân loại phẫu thuật, thủ thuật và định mức nhân lực trong từng ca phẫu thuật, thủ thuật mà chưa được ghi trong chứng chỉ hành nghề thì người hành nghề có chứng chỉ đào tạo và phải được người chịu trách nhiệm chuyên môn cho phép bằng văn bản để thực hiện.
3. Người hành nghề là bác sĩ khám bệnh, chữa bệnh bằng dinh dưỡng, tiết chế được phép thực hiện các kỹ thuật chuyên môn trong lĩnh vực dinh dưỡng, tiết chế.
4. Người làm việc tại khoa hoặc đơn vị kiểm soát nhiễm khuẩn và đồng thời trực tiếp khám bệnh, chữa bệnh thì phạm vi hoạt động chuyên môn trong chứng chỉ hành nghề ghi khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa đó (VD: nếu người hành nghề làm việc tại Khoa kiểm soát nhiễm khuẩn đồng thời trực tiếp khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa nội thì ghi khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa nội).
Điều 6. Phạm vi hoạt động chuyên môn của bác sĩ y học dự phòng
Bác sĩ y học dự phòng làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện phạm vi hoạt động chuyên môn như sau:
– Phát hiện và xử trí các bệnh thường gặp theo quy định của Bộ Y tế;
– Xử trí ban đầu một số trường hợp cấp cứu tại cộng đồng.
Điều 7. Phạm vi hoạt động chuyên môn của y sỹ
1. Người hành nghề là y sỹ được phép tham gia sơ cứu ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh thường gặp theo quy định tại Thông tư liên tịch số 10/2015/TTLT-BYT-BNV ngày 27/5/2015 của Bộ Y tế, Bộ Nội vụ Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp bác sỹ, bác sỹ y học dự phòng, y sỹ.
2. Người có bằng y sỹ đa khoa, y sỹ sản nhi và các đối tượng khác có bằng trung cấp y trở lên đã có thời gian hành nghề điều dưỡng ít nhất là 12 tháng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trước ngày 01/01/2012 thì thực hiện phạm vi hoạt động chuyên môn của điều dưỡng theo quy định tại Thông tư số 26/2015/TTLTBYT-BNV ngày 07 tháng 10 năm 2015 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y.
Điều 8. Phạm vi hoạt động chuyên môn của điều dưỡng viên
Người hành nghề là điều dưỡng viên được thực hiện phạm vi hoạt động chuyên môn của điều dưỡng theo quy định tại Thông tư số 26/2015/TTLTBYT-BNV ngày 07 tháng 10 năm 2015 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y.
Điều 9. Phạm vi hoạt động chuyên môn của hộ sinh viên.
Người hành nghề là hộ sinh được thực hiện phạm vi hoạt động chuyên môn của hộ sinh theo quy định tại Thông tư số 26/2015/TTLTBYT-BNV ngày 07 tháng 10 năm 2015 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y.
Điều 10. Phạm vi hoạt động chuyên môn của kỹ thuật viên
1. Kỹ thuật viên được cấp chứng chỉ hành nghề với phạm vi hoạt động chuyên môn nào thì được thực hiện các kỹ thuật y học của kỹ thuật viên chuyên ngành đó theo quy định tại Thông tư số 26/2015/TTLTBYT-BNV ngày 07 tháng 10 năm 2015 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y.
2. Đối tượng cử nhân sinh học, hóa học và dược sĩ đại học quy định tại Điều 5 Nghị định 109/2016/NĐ-CP được cấp phạm vi chuyên môn là chuyên khoa xét nghiệm với chức danh là kỹ thuật viên.
Điều 11. Phân công thực hiện kỹ thuật chuyên môn của người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
Căn cứ vào danh mục chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được cấp có thẩm quyền phê duyệt, vào phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trên chứng chỉ hành nghề, văn bằng, chứng chỉ hoặc chứng nhận và năng lực của người hành nghề, người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phân công người hành nghề thực hiện kỹ thuật để cho phép người hành nghề quy định tại Điều 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10 và Điều 11 của Thông tư này được thực hiện các chuyên môn cụ thể tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Chương II
PHẠM VI HOẠT ĐỘNG CHUYÊN MÔN CỦA CƠ SỞ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH
Điều 12. Phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
Căn cứ vào điều kiện thiết bị y tế, cơ sở vật chất, nhân lực của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và năng lực thực tế của người hành nghề, Bộ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế tỉnh phê duyệt phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở thể hiện bằng danh mục chuyên môn cụ thể theo quy định tại Thông tư số 43/2013/TT-BYT ngày 11 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế và Thông tư số 21/2017/TT-BYT ngày 10 tháng 5 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung danh mục ký thuật trong khám bệnh, chữa bệnh ban hành kèm theo Thông tư số 43/2013/TT – BYT, ngày 11 tháng 12 năm 2013, của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Điều 13. Bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
Danh mục phạm vi hoạt động chuyên môn được phê duyệt khi cấp giấy phép hoạt động và được điều chỉnh, bổ sung khi cơ sở đề nghị theo quy định của Thông tư 43/2013/TT-BYT ngày 11 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế Quy định chi tiết phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 14. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ….. tháng …. năm 2018
Điều 15: Điều khoản tham chiếu
Trường hợp các văn bản dẫn chiếu trong Thông tư này được thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung thì áp dụng các văn bản thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung đó.
Điều 16. Tổ chức thực hiện
1. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh có trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức thực hiện Thông tư này.
2. Sở Y tế căn cứ phạm vi hoạt động chuyên môn được quy định tại Thông tư này để phê duyệt phạm vi chuyên môn hoạt động cho người hành nghề và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Điều 17. Trách nhiệm thi hành
1. Các Ông, Bà: Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Quản lý Khám bệnh, chữa bệnh; Chánh Thanh tra Bộ; Cục trưởng các Cục; Vụ trưởng các Vụ thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương Bộ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.
2. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám bệnh, chữa bệnh) để được hướng dẫn, xem xét và giải quyết./.