Chuyên môn hóa kỹ năng truyền tĩnh mạch an toàn cho điều dưỡng
Ngày 03/6 tại Hà Nội, Hiệp hội Điều dưỡng Việt Nam (AVN) và Công ty BD (Becton Dickinson) đã tổ chức Hội thảo những tiến bộ về liệu pháp truyền tĩnh mạch an toàn và công bố tài liệu đào tạo liên tục liệu pháp truyền tĩnh mạch an toàn. Hội thảo thu hút trên 500 đại biểu là các cán bộ quản lý, đào tạo và điều dưỡng trưởng các bệnh viện tham dự trực tiếp và trực tuyến.
ThS Phạm Đức Mục- Chủ tịch Hiệp hội Điều dưỡng Việt Nam (AVN) cho biết, truyền tĩnh mạch là một trong kỹ thuật điều dưỡng rất phổ biến, là can thiệp mang lại nhiều lợi ích cứu sống người bệnh nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ cho người bệnh nếu không thực hiện đúng kỹ thuật.
Hiện nay, ngành điều dưỡng Việt Nam đã có tất cả các bậc học từ cao đẳng- đại học- thạc sỹ- tiến sỹ.. Hàng năm có 5.000 điều dưỡng tốt nghiệp đại học và gần 1.000 điều dưỡng tốt nghiệp cao học. Đội ngũ trí thức điều dưỡng đang tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng. Cùng thầy thuốc đóng góp vào các thành tựu khoa học của ngành y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Theo xu hướng hội nhập và sự phát triển của điều dưỡng hiện nay, rất cần nhận thức mới và triết lý mới về nghề điều dưỡng: Điều dưỡng là ngành học đa khoa, có nhiều chuyên khoa và nhiều lĩnh vực chuyên sâu; Dịch vụ do điều dưỡng và hộ sinh cung cấp là một trụ cột của Hệ thống dịch vụ y tế.
Theo ThS Phạm Đức Mục, trên thế giới đã phát triển đội ngũ điều dưỡng chăm sóc chuyên sâu như điều dưỡng chuyên chăm sóc bàn chân; chăm sóc vết loét do tì đè; rối loạn chức năng nuốt…Với mong muốn điều dưỡng trở thành những chuyên gia chuyên sâu trong lĩnh vực của mình, đồng thời đảm bảo an toàn cho cả người bệnh và nhân viên y tế, Hiệp hội Điều dưỡng Việt Nam đã xây dựng và hoàn thiện chương trình đào tạo liên tục liệu pháp truyền tĩnh mạch an toàn. Tài liệu cập nhật các tiêu chuẩn thực hành mới nhất liên quan đến liệu pháp truyền tĩnh mạch từ các hội tiêm truyền trên thế giới và chuẩn hóa công cụ lâm sàng, hỗ trợ điều dưỡng chăm sóc người bệnh. Đặc biệt, tài liệu có nội dung đào tạo chuyên sâu cho đường truyền tĩnh mạch trung tâm và đường truyền buồng tiêm truyền dưới da mà chưa được đào tạo tại các cơ sở giảng dạy y khoa.
Hiện chất lượng chăm sóc người bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh đã có chuyển biến rõ rệt thông qua việc đổi mới các mô hình phân công chăm sóc, tổ chức chăm sóc người bệnh, chuẩn hóa các kỹ thuật điều dưỡng. Dịch vụ do người điều dưỡng, hộ sinh cung cấp ngày càng góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân và nâng cao vị thế nghề nghiệp, hình ảnh của người Điều dưỡng, Hộ sinh.
Chiều cùng ngày, Hiệp hội Điều dưỡng Việt Nam phối hợp với Hội Phục hồi chức năng và đại diện các Vụ, Cục của Bộ Y tế tổ chức Hội thảo tư vấn về hoạt động chuyên môn của điều dưỡng trong phục hồi chức năng. Hội thảo sẽ chia sẻ các thông tin về thực trạng đào tạo điều dưỡng về phục hồi chức năng; hiện trạng điều dưỡng tham gia thực hiện các kỹ thuật PHCN và góp ý vào Dự thảo khung chương rình đào tạo nâng cao cho điều dưỡng về phục hồi chức năng.
PV.