Ký kết tối ưu hóa năng lực chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân Việt Nam
Ngày 17/6 tại Hà Nội, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) và Công ty Boehringer Ingelheim Việt Nam đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác với mục tiêu tối ưu hóa năng lực chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân Việt Nam.
Tham dự buổi ký kết có PGS.TS.BS Lương Ngọc Khuê – Phó Chủ tịch Hội đồng y khoa quốc gia –Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh và bà Cyndy Galimpin, Tổng giám đốc Công ty Boehringer Ingelheim Việt Nam cùng đại diện Vụ, Cục Bộ Y tế, các bệnh viện và các Hội chuyên ngành như Hội Tim mạch Việt Nam, Hội Kinh tế Y tế; Hội Nội tiết-Đái tháo đường,… Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ lễ kỷ niệm 25 năm hiện diện của Công ty Boehringer Ingelheim tại Việt Nam.
Phát biểu tại buổi ký kết, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã nhận định sau đại dịch COVID-19 là đại dịch các bệnh không lây nhiễm. Hiện tại các bệnh viện Việt Nam có đến 70-75% là các bệnh nhân mắc các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch, tiểu đường, COPD,…Tình trạng quá tải bệnh nhân thường xuyên diễn ra ở các chuyên khoa này.
“Cục Quản lý khám chữa bệnh cùng Công ty Boehringer Ingelheim Việt Nam kí Bản thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2023-2025 về tăng cường năng lực cơ sở khám bệnh, sẽ góp phần nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị, quản lý bệnh tim mạch, thận, chuyển hóa, bệnh phổi kẽ và các một số bệnh không truyền nhiễm khác, giảm chi phí điều trị, chi phí xã hội và cho mục đích cuối cùng là cải thiện cuộc sống cho nhiều thế hệ, nâng cao việc chăm sóc cũng như chất lượng sống cho người bệnh”, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, nhận mạnh.
Bà Cyndy Bautista-Galimpin, Tổng Giám đốc Công ty Boehringer Ingelheim Việt Nam, chia sẻ: “Boehringer Ingelheim tự hào chung tay cùng Cục Quản lý Khám chữa bệnh để thúc đẩy những tiến bộ trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam. Đây là một phần trong cam kết lâu dài của chúng tôi nhằm góp phần giải quyết các nhu cầu y tế chưa được đáp ứng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho các thế hệ trong hiện tại và tương lai. Điều này phù hợp với sứ mệnh thay đổi cuộc sống cho các thế hệ của chúng tôi”.
Để hướng tới mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân nằm trong mục tiêu phát triển bền vững mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết thực hiện, hệ thống y tế Việt Nam cần được tăng cường toàn diện, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động, hướng đến một hệ thống công bằng, hiệu quả, chất lượng và bền vững, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của toàn thể nhân dân. Dự kiến trong năm 2023, Cục Quản lý Khám chữa bệnh sẽ tổ chức đào tạo chuyên môn cho bác sỹ tại các tuyến trong khuôn khổ hợp tác này.
Riêng tại Việt Nam, tỷ lệ đái tháo đường type 2 ước tính năm 2015 là 6%; tỷ lệ suy tim là khoảng 1-2% dân số. Đái tháo đường type 2, suy tim gây ra gánh nặng kinh tế cho xã hội, hệ thống y tế và bản thân người bệnh. Các nghiên cứu cũng cho thấy chi phí điều trị cho suy tim sẽ tiếp tục gia tăng trong những năm tới do tốc độ già hoá dân số và gia tăng tỷ lệ các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường. Một ước tính cho thấy tỷ lệ suy tim sẽ tăng thêm 46% vào năm 2030.
Lê Hảo