HƯỚNG TỚI “CÔNG BẰNG – HIỆU QUẢ – CHẤT LƯỢNG & PHÁT TRIỂN”

Quá trình đổi mới lĩnh vực y tế ở Việt Nam trong gần 25 năm qua được bắt đầu từ đổi mới các chính sách liên quan trực tiếp đến lĩnh vực cung ứng dịch vụ y tế nói chung và dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh nói riêng, đó là chính sách thu một phần viện phí được quy định trong Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân năm 1989, Pháp lệnh Hành nghề y dược tư nhân (năm 1993 và sửa đổi năm 2003), chính sách về bảo hiểm y tế (năm 1992), chính sách miễn, giảm viện phí cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và một số đối tượng chính sách xã hội khác, v.v…

Quy chế bệnh viện do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành kèm theo Quyết định số 1895/1997/QĐ-BYT ngày 19 tháng 9 năm 1997 đã luôn cùng đồng hành với người chiến sĩ áo trắng trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong suốt thập niên cuối của thế kỷ 20 và những thập niên đầu của thế kỷ 21. Đến nay, một số quy chế được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế nhưng Quy chế bệnh viện vẫn đã là cuốn cẩm nang gối đầu giường của mỗi cán bộ nhân viên y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Trước đó, chế độ chức trách và chế độ chuyên môn công tác bệnh viện được điều chỉnh bằng công văn số 1876/BYT – CB ngày 12 tháng 6 năm 1972 và Quyết định số 266/QĐ-BYT ngày 01 tháng 4 năm 1988 của Bộ Y tế.

Những năm gần đây , một số văn bản chiến lược, định hướng cho hệ thống y tế, trong đó có lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh, đã được Đảng và Chính phủ quan tâm và ban hành, đó là: Nghị quyết số 46-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 23 tháng 2 năm 2005 về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Quyết định số 153/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 30 tháng 6 năm 2006 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế Việt nam giai đoạn đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020; Quyết định số 30/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 22 tháng 2 năm 2008 phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020.

Một số luật và văn bản dưới luật đã được ban hành như: Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006; Luật Bảo hiểm Y tế năm 2008; Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009; Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP, Nghị định 10/2002/NĐ-CP, Nghị định 43/2006/NĐ-CP, Nghị định 69/2008/NĐ-CP về thực hiện xã hội hóa và giao quyền tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp công,…

Các văn bản này đã có tác động lớn đến cơ chế hoạt động của các cơ sở cung ứng dịch vụ khám chữa bệnh.
Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006, Nghị định số 56/2008/NĐ-CP ngày 29 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ và các Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế là các văn bản hướng dẫn Luật đang đi vào cuộc sống.

Tuy nhiên Luật này đã bộc lộ một số bất cập trong đó không quy định việc hiến, lấy ghép bộ phận cơ thể người trên lãnh thổ Việt Nam đối với người cho là người nước ngoài và cả người cho và người nhận bộ phận cơ thể người đều là người nước ngoài. Thủ tướng Chính phủ đã Quyết định cho phép thành lập Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người và gần đây Bộ Y tế đã triển khai đưa Trung tâm đi vào hoạt động. Đây là Trung tâm mang tính đặc thù, không thực hiện các kỹ thuật ghép mà hoạt động điều phối việc hiến, lấy, ghép bộ phận cơ thể người trong phạm vi toàn quốc. Đến nay chúng ta đã có một số như ngân hàng mắt, ngân hàng tế bào gốc, ngân hàng máu cuống rốn đã và đang hoạt động.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 quy định quyền và nghĩa vụ của người bệnh, người hành nghề và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; điều kiện đối với người hành nghề và cơ sở hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; các quy định chuyên môn kỹ thuật; áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh; sai sót chuyên môn kỹ thuật và giải quyết khiếu nại của người bệnh và điều kiện bảo đảm khám bệnh, chữa bệnh. Luật này thay thế một số chương, mục của Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân năm 1989 và làm hết hiệu lực đối với Pháp lệnh Hành nghề y dược tư nhân (năm 1993 và sửa đổi năm 2003). Các quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và văn bản hướng dẫn luật này như: Nghị định số 87/2011/NĐ-CP ngày 27 tháng 9 tháng 2011 của Chính phủ và Thông tư số 41/2011/TT-BYT ngày 14 tháng 11 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế đã tạo hành lang pháp lý trong việc cấp số số số chứng chỉ hành nghề và cấp giấy phép hoạt động cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đối với cả khu vực nhà nước và tư nhân mà trước khi có Luật này mới chỉ thực hiện ở khu vực tư nhân.

Vấn đề cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh khu vực nhà nước đã được quy định tại Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân năm 1989, tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan khác nhau, chúng ta chưa tổ chức thực hiện được quy định này. Việc cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc quản lý nhà nước bằng pháp luật, đồng thời là một cột mốc, dấu ấn quan trọng trong lịch sử của hệ thống khám, chữa bệnh thực hiện việc này. Điều đó càng khẳng định Việt Nam chúng ta đang hội nhập ngày càng sâu rộng đối với các nước trong khu vực ASEAN và trên thế giới. Tuy nhiên Luật quy định việc cấp chứng chỉ hành nghề và cấp giấy phép hoạt động cơ sở khám bệnh, chữa bệnh một lần không thời hạn đã không phát huy khơi dậy được tiềm năng sáng tạo, phát triển của những người hành nghề, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và những hạn chế khác.

Luật Bảo hiểm Y tế năm 2008 quy định về chế độ, chính sách bảo hiểm y tế, trong đó có tổ chức khám bệnh, chữa bệnh cho người tham gia bảo hiểm y tế, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, quyền và trách nhiệm của các bên liên quan đến bảo hiểm y tế. Luật đặt ra lộ trình thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân vào năm 2020 và những năm tiếp theo. Qua hơn 3 năm tổ chức thực hiện Luật Bảo hiểm y tế đã bộc lộ một số hạn chế, không phù hợp với thực tiễn, hiện nay chúng ta đang khẩn trương sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật này cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống và sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Năm 2012 Quốc hội đã thông qua và ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chúng ta đang xây dựng Dự án Luật về máu và tế bào gốc, trong tương lai không xa chúng ta kỳ vọng sẽ xây dựng Dự án Luật về Sức khỏe Tâm thần.

Quan điểm chung là đổi mới và hoàn thiện mạng lưới khám bệnh, chữa bệnh theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân, một số định hướng phát triển chủ yếu về cung ứng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với thập niên thứ hai của thế kỷ 21, như sau:

– Phát triển cân đối, hợp lý giữa các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa, phát triển y tế phổ cập kết hợp y tế chuyên sâu, giữa y học hiện đại với y học cổ truyền dân tộc.

– Bảo đảm tính hệ thống và tính liên tục trong hoạt động chuyên môn giữa các tuyến. Quản lý, kiểm soát hoạt động cấp chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

– Đổi mới cơ chế tài chính bệnh viện, nâng cao hiệu quả hoạt động theo Nghị định số 85/2012/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ. Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ các đối tượng chính sách và người nghèo trong khám bệnh, chữa bệnh. Tập trung và tăng cường hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước và các nguồn thu để nâng cao chất lượng các dịch vụ khám chữa bệnh, có các giải pháp để sử dụng có hiệu quả cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của các cơ sở y tế, đặc biệt là các bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện khu vực đã và đang được đầu tư trong thời gian vừa qua.

– Tăng chi ngân sách nhà nước cho y tế, phát triển bảo hiểm y tế toàn dân, kết hợp với xã hội hóa các hoạt động chăm sóc sức khỏe.

– Tăng cường kiểm soát chất lượng các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Bộ, xây dựng hệ thống kiểm định chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại tất cả các cơ sở khám chữa bệnh.

– Đổi mới toàn diện cơ chế quản lý, điều hành, tài chính, nhân lực tại các bệnh viện để phát huy tính năng động, sáng tạo của cơ sở trong việc huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực.

– Thực hiện cơ chế tự chủ đối với các cơ sở khám chữa bệnh công lập, cùng với tiến trình mở rộng bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân với hình thức bảo hiểm y tế bắt buộc vào năm 2020./.