A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Nội có thêm tuyến phố đi bộ không khói thuốc lá

Nằm trong các hoạt động hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá 25-31/5/2022, sáng ngày 29/5 tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn, UBND Quận Tây Hồ, Ban Thường vụ Quận đoàn Tây Hồ phối hợp với Quỹ PCTH Thuốc lá tổ chức Lễ phát động chiến dịch thanh niên tình nguyện hè 2022, ra quân tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá và xây dựng tuyến bố đi bộ không khói thuốc.

Phát biểu tại buổi lễ, ThS.BS Phan Thị Hải- Phó Giám đốc Quỹ PCTH Thuốc lá cho biết, các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá đang ngày càng được triển khai rộng khắp đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đối với thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên, Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá cũng tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho thanh thiếu niên về các mối nguy hại từ việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá thông thường cũng như các sản phẩm thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng....). Những hoạt động này nhằm phát huy vai trò xung kích của cán bộ, đoàn viên, thanh niên trong công cuộc tham gia phòng, chống tác hại của thuốc lá; xây dựng lối sống lành mạnh cùng môi trường không khói thuốc trong thanh niên Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc lá trong thanh thiếu niên Việt Nam. Tỷ lệ hút thuốc trong học sinh độ tuổi từ 13 đến 17 cũng giảm từ 5.36% năm 2013 xuống 2,78% năm 2019.

hS.BS Phan Thị Hải- Phó Giám đốc Quỹ PCTH Thuốc lá phát biểu tại Lễ phát động

Theo ThS BS Phan Thị Hải xây dựng môi trường không khói thuốc lá là giúp giảm nguy cơ tiếp xúc thụ động với khói thuốc, đồng nghĩa với việc giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến khói thuốc và tiết kiệm các chi phí khám chữa bệnh. Thực hiện Phố đi bộ Trịnh Công Sơn không khói thuốc lá một việc làm cần thiết, góp phần nâng cao văn minh đô thị, bảo đảm môi trường xanh sạch cho thủ đô, đem lại lợi ích về sức khỏe, kinh tế, nâng cao đời sống người dân. Vì sức khỏe của chính mình, người thân và cả cộng đồng, mỗi thanh niên hãy là một tuyên truyền viên tích cực trong công tác truyền thông tác hại của thuốc lá.

Từ năm 2016, Quỹ PCTH thuốc lá đã hỗ trợ cho Quận Tây Hồ thực hiện hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá. Từ đó đến nay, với sự vào cuộc tích cực của Quận ủy, Ủy ban nhân dân Quận Tây Hồ đã thành lập được Ban chỉ đạo Phòng, chống tác hại của thuốc lá; lập các đoàn kiểm tra thực thi mô hình tại các cơ sở, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn không khói thuốc lá. Quận Tây Hồ là một trong những đơn vị đi đầu của thành phố Hà Nội về thực hiện “mô hình không khói thuốc lá”.

Khởi động chiến dịch thanh niên tình nguyện hè 2022

 

Để triển khai kế hoạch xây dựng tuyến phố đi bộ không khói thuốc lá, UBND Quận Tây Hồ đã chỉ đạo UBND các phường đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động, nhắc nhở các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ, các hộ gia đình, công dân trên địa bàn phố đi bộ chấp hành nghiêm các quy định của Luật PCTH Thuốc lá, chỉnh trang cửa hàng, gắn biển cấm hút thuốc lá…. góp phần tạo cảnh quan môi trường tuyến phố đi bộ Trịnh Công Sơn luôn văn minh “Sáng – Xanh – Sạch- Đẹp- Không khói thuốc lá”.

Tại Lễ phát động, Ban Thường vụ Quận Đoàn Tây Hồ đã ra mắt 10 đội tình nguyện viên, trong đó có đội tuyên truyền phòng, chống tác hại thuốc lá với đoàn xe tuyên truyền và phát tờ rơi về tác hại thuốc lá cho các hộ kinh doanh và người dân; Thực hiện cam kết “Gian hàng không khói thuốc ” tại tuyến phố đi bộ….

Lễ ra quân trên tuyến phố đi bộ Trịnh Công Sơn

 

Bên cạnh đó, ứng dụng “Việt Nam không khói thuốc” trên điện thoại cũng được hướng dẫn, triển khai tới mọi người để phản ánh các hành vi vi phạm quy định của Luật PCTH Thuốc lá. Đây là ứng dụng do Quỹ PCTH Thuốc lá xây dựng và triển khai thí điểm tại 2 quận Tây Hồ và Hoàn Kiếm với mục tiêu phát huy vai trò của người dân, huy động sức mạnh của cộng đồng trong xây dựng môi trường không khói thuốc lá.

PV.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm. Theo đánh giá của Hội đồng các chuyên gia y tế công cộng được Tổ chức Y tế thế giới triệu tập vào ngày 29 tháng 4 năm 2020, những người hút thuốc có nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe do Covid-19 cao hơn so với những người không hút thuốc. Bên cạnh đó, sử dụng thuốc lá còn gây tổn thất về kinh tế đối với các cá nhân, gia đình và xã hội bao gồm chi tiêu cho hút thuốc, chi phí cho khám, điều trị bệnh liên quan đến hút thuốc, giảm sút/mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm.

   Cũng theo Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm có 5% diện tích rừng bị phá để trồng cây thuốc lá và lấy gỗ để sấy thuốc lá; khoảng 18 tỷ cây xanh bị chặt hạ làm củi sấy thuốc lá; bên cạnh đó, mỗi năm, hàng chục ngàn tấn chất độc như nicotine và hàng trăm triệu ki-lô-gam chất thải độc hại từ các mẩu thuốc lá bị thải ra môi trường. Quá trình sản xuất thuốc lá cũng giải phóng độc tố vào không khí và đất làm cho đất không còn màu mỡ để trồng trọt. Những tác động tiêu cực này gây áp lực không cần thiết đối với nguồn tài nguyên vốn đã khan hiếm của thế giới.

Chính vì vậy, Tổ chức Y tế thế giới chọn thông điệp “Thuốc lá – mối đe dọa tới môi trường của chúng ta” làm chủ đề ngày Thế giới không thuốc lá 31/5/2022. Thông qua chủ đề này, Tổ chức Y tế thế giới kêu gọi các quốc gia thúc đẩy các hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của sử dụng thuốc lá tới môi trường, không hút thuốc lá để hạn chế việc gây ô nhiễm môi trường và sức khỏe.

 

Các đại biểu hưởng ứng Lễ ra quân tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá và xây dựng tuyến bố đi bộ không khói thuốc


Tin tức nổi bật

Các loại giấy khám sức khỏe không phải là Thủ tục hành chính
Ngày 26/3, Bộ Y tế đã có Công văn số 1435/BYT-KCB gửi Sở Y tế 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Bệnh viện, Viện trực thuộc Bộ Y tế; Bệnh viện trực thuộc trường Đại học và Y tế Bộ, ngành về hướng dẫn văn bản liên quan  công tác khám sức khỏe.