A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vinh danh giải thưởng “Cống hiến trọn đời” cho nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Ngọc Trọng

 Tối 12/9, tại lễ bế mạc Hội nghị Quản lý bệnh viện châu Á lần thứ 18 năm 2019 do Bộ Y tế Việt Nam, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh phối hợp với Hiệp hội quản lý Bệnh viện châu Á tổ chức, Ban tổ chức đã trao Giải thưởng Cống hiến trọn đời […]

 Tối 12/9, tại lễ bế mạc Hội nghị Quản lý bệnh viện châu Á lần thứ 18 năm 2019 do Bộ Y tế Việt Nam, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh phối hợp với Hiệp hội quản lý Bệnh viện châu Á tổ chức, Ban tổ chức đã trao Giải thưởng Cống hiến trọn đời (Lifetime Achievement Award) cho GS.TS Lê Ngọc Trọng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Bác sỹ gia đình Việt Nam vì những đóng góp của ông đối với sự nghiệp y tế Việt Nam và y tế khu vực châu Á.

Trước đó, giải thưởng này đã được trao cho GS.TS Vũ Văn Đính- Chủ tịch Hội Hồi sức Cấp cứu- Chống độc Việt Nam (năm 2012) và Bà Vi Nguyệt Hồ- Nguyên Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam, vợ cố giáo sư Tôn Thất Tùng năm 2016 khi sự kiện được tổ chức tại Việt Nam.

 Đây là giải thưởng uy tín của Hội nghị, sự ghi nhận quốc tế đặc biệt dành cho những người có cống hiến quan trọng đối với y tế khu vực châu Á. Hội đồng xét giải đã nhất trí bầu chọn GS.TS Lê Ngọc Trọng theo đề xuất của Bộ Y tế, Tổng Hội Y dược Việt Nam và Hội Bác sỹ gia đình Việt Nam.

 Sau khi tốt nghiệp tại trường Đại học Y Hà Nội năm 1969, GS Lê Ngọc Trọng về công tác tại Trường Đại học Y Miền núi ở tỉnh Bắc Thái (nay là Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên). Đồng thời thực hành công tác khám và chữa bệnh tại Bệnh viện đa khoa khu tự trị Việt Bắc (nay là Bệnh viện đa khoa trung ương Thái Nguyên trực thuộc Bộ Y tế).

Từ 1988 đến 1992, ông được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường Đại học kiêm Giám đốc Bệnh viện. Trong thời gian công tác, vừa giảng dạy vừa thực hành khám chữa bệnh tại Bệnh viện, GS.TS Lê Ngọc Trọng đã xây dựng được mô hình mẫu mực kết hợp Viện – Trường điển hình trong cả nước, được nhà nước đánh giá cao. Cũng trong thời gian này người thầy giáo Lê Ngọc Trọng luôn nhiệt tình giảng dạy cho sinh viên và tận tình với người bệnh tại bệnh viện. Đồng thời tổ chức nhiều đoàn cán bộ Viện -Trường và sinh viên về miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc để khám chữa bệnh cho đồng bào địa phương, được nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng và hoan nghênh.

Từ năm 1992 đến 31/12/2006, ông được Chính phủ bổ nhiệm là Thứ trưởng Bộ Y tế. Tại Bộ Y tế, ông được giao nhiều nhiệm vụ về quản lý y tế, trong đó nổi bật nhất là chỉ đạo phát triển mạng lưới khám chữa bệnh Việt Nam. Ông đã xây dựng nhiều tài liệu pháp lý đầu tiên cho hệ thống Bệnh viện Việt Nam như Quy chế Bệnh viện (1997), Quy trình chuyên môn kỹ thuật Bệnh viện, Quy trình chăm sóc, Quy chế xử lý chất thải Bệnh viện, thành lập Câu lạc bộ Giám đốc các Bệnh viện Việt Nam, được toàn ngành Y tế Việt Nam hưởng ứng thực hiện. Ông chủ trì phụ trách chương trình Y tế quốc gia.

Trong đó nổi bật nhất là chương trình Phòng chống sốt rét, chương trình Phòng chống bướu cổ… thu được kết quả rất tốt. Về sốt rét đã hạ thấp tỷ lệ tử vong từ 4 chữ số năm 1992 đến chỉ còn 1 chữ số năm 2000. Trong thời gian này, GS.TS Lê Ngọc Trọng đã cùng đồng nghiệp đến tận thôn bản và cả nhà nhân dân nơi có sốt rét nặng tổ chức vận động nhân dân nằm màn và tẩm màn bằng Perperin. Về chương trình phòng chống Bướu cổ, ông đã tổ chức cho nhân dân ăn muối trộn I ốt thay cho muối trắng, coi I ốt là liều thuốc “thông minh”. Nhờ đó, tỷ lệ bệnh Bướu cổ đơn thuần giảm rõ rệt, nhất là ở phụ nữ sống ở miền núi, giảm tỷ lệ trẻ em bị đần độn do thiếu I ốt ở vùng bướu cổ nặng. Ông còn chủ trì trương trình y tế chuyên sâu quốc gia, đi thăm nhiều nước có nền Y tế tiên tiến để học tập kinh nghiệm phát triển kỹ thuật cao nhằm hiện đại ngành Y tế Việt Nam. Đến nay, hệ thống bệnh viện Việt Nam đã cập nhật được những tiến bộ khoa học kỹ thuật của thế giới, thiết thực góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân…

BTC Hội nghị HMA 2019 trao Giải thưởng Cống hiến trọn đời cho GS Lê Ngọc Trọng
Bộ trưởng Bộ Y tế Malaisia Tiến sĩ Dzulkefly Ahmad và Cục trưởng Cục QLKCB Lương Ngọc Khuê lên chúc mừng GS.TS Lê Ngọc Trọng

GS.TS Lê Ngọc Trọng đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp Y tế Việt Nam, được nhân dân tin yêu, đồng nghiệp trong ngành và các thế hệ học trò yêu mến, quý trọng và gọi ông bằng hai từ gần gũi, thân thương: Thầy Trọng.

Hội nghị Quản lý bệnh viện châu Á lần thứ 18 năm 2019 thu hút trên 1.500 đại biểu từ 28 quốc gia gồm các diễn giả, nhà quản lý, lãnh đạo các bệnh viện hàng đầu trong khu vực và các nhà cung cấp giải pháp hỗ trợ y tế tên tuổi trên thế giới tham dự. Hội nghị nhằm giúp các chủ sở hữu bệnh viện, giám đốc điều hành, giám đốc, bác sĩ và các lãnh đạo y tế có được những hiểu biết về tư duy quản lý mảng chăm sóc sức khỏe, hệ thống thực hành và các giải pháp tốt nhất từ khắp thế giới đồng thời tạo ra một diễn đàn kết nối thực và ảo ở châu Á./.

Lê Hảo


Tin tức nổi bật

Viện Y học Biển: Đăng tải bản công bố cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng yêu cầu là cơ sở hướng dẫn thực hành. Đối tượng thực hành: Bác sỹ; Điều dưỡng; Hộ sinh; Kỹ thuật y; Cấp cứu ngoại viện.
Bản công bố cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng yêu cầu là cơ sở hướng dẫn thực hành - Viện Y học Biển. Đối tượng thực hành: Bác sỹ; Điều dưỡng; Hộ sinh; Kỹ thuật y; Cấp cứu ngoại viện.
Các loại giấy khám sức khỏe không phải là Thủ tục hành chính
Ngày 26/3, Bộ Y tế đã có Công văn số 1435/BYT-KCB gửi Sở Y tế 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Bệnh viện, Viện trực thuộc Bộ Y tế; Bệnh viện trực thuộc trường Đại học và Y tế Bộ, ngành về hướng dẫn văn bản liên quan  công tác khám sức khỏe.